Năm 2022, có thể thu 30 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Bộ Tài chính dự kiến, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp trung ương trong năm 2022 có khả năng đạt được khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; khoản tồn, dư từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các địa phương có thể nộp vào ngân sách địa phương trong năm 2022 là khoảng 10.000 tỷ đồng.
SABECO trong danh mục thoái vốn năm 2022. Ảnh: Internet
SABECO trong danh mục thoái vốn năm 2022. Ảnh: Internet

Theo kế hoạch được Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thuộc Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến có 6 doanh nghiệp trung ương thuộc danh mục theo Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 7/9/2016 thực hiện thoái vốn năm 2022. Đó là, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 2.308 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 460,1 tỷ đồng); Tổng công ty CP Bảo Minh (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 463,1 tỷ đồng); Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 437 tỷ đồng); Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 529 tỷ đồng); Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 160 tỷ đồng).

Theo đó, với giá trị cổ phiếu niêm yết tham chiếu trên sàn giao dịch chứng khoán ngày 23/8/2021, Cục TCDN đưa ra dự kiến nguồn thu từ thoái vốn nhà nước trong năm 2022 đối với 6 doanh nghiệp nêu trên.

Cụ thể, để đạt được tối thiểu 10.000 tỷ đồng, cần thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp là Tập đoàn FPT (giá trị dự kiến thu về là 4.188 tỷ đồng với giá trị 91.000 đồng/CP), Tổng công ty CP Bảo Minh (giá trị dự kiến thu về là 1.778 tỷ đồng với giá trị 38.400 đồng/CP); Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (giá trị dự kiến thu về là 2.303 tỷ đồng với giá trị 52.700 đồng/CP), Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (giá trị dự kiến thu về là 1.269 tỷ đồng với giá trị 24.000 đồng/CP), Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (giá trị theo mệnh giá 160 tỷ đồng).

Để đạt được tối thiểu 30.000 - 40.000 tỷ đồng, ngoài việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp nói trên, thì cần thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị phần vốn nhà nước dự kiến thu về là 32.320 tỷ đồng (với giá trị 140.000 đồng/CP).

Để đảm bảo tính cẩn trọng, khả thi, Cục TCDN dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp trung ương trong năm 2022 có khả năng đạt được khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp do các địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, do việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại địa phương cần thời gian nên nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc địa phương triển khai trong năm 2022 sẽ được nộp vào NSNN địa phương trong các năm sau. Còn khoản tồn, dư từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các địa phương có thể nộp vào ngân sách địa phương trong năm 2022 là khoảng 10.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cho ngân sách địa phương năm 2022, Cục TCDN đã trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố còn dư khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn từ năm 2020 trở về trước chưa nộp về NSNN (các khoản tồn đọng trước khi có Nghị quyết của Quốc hội được giữ lại địa phương) hoặc được giữ lại địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện nộp vào ngân sách địa phương.

Chuyên đề