Triển vọng doanh nghiệp hàng không: Hai mảng màu khác biệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Trung Quốc tái mở cửa, lưu lượng khách du lịch quốc tế phục hồi được kỳ vọng sẽ là cú huých cho triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành hàng không trong năm 2023. Trong khi lợi nhuận của nhóm DN dịch vụ mặt đất được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt thì các hãng bay được dự báo còn gặp nhiều khó khăn.

Cú huých tái mở cửa từ quốc gia tỷ dân

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 54,2 triệu khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 - năm cao điểm dịch Covid-19 - và bằng 69,6% so với năm 2019 (trước khi dịch bệnh bùng phát). Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019); vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (gấp 22 lần năm 2021 và bằng 27% so với năm 2019).

Đây là những số liệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không với lưu lượng hành khách nội địa đã vượt mức trước dịch Covid-19, sự sụt giảm chỉ còn nằm ở lượng khách quốc tế. Việc Trung Quốc công bố tái mở cửa bằng cách gỡ bỏ tất cả các yêu cầu cách ly và giới hạn bay đối với các hãng hàng không từ ngày 8/1/2023 được đánh giá là cú huých lớn cho ngành hàng không, giúp phục hồi lưu lượng khách quốc tế, bởi khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lượng du khách qua các cảng hàng không quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019 và Trung Quốc cũng là điểm đến quen thuộc của khách du lịch Việt Nam.

Theo tờ China Daily, từ ngày 6/2/2023, các DN Trung Quốc được nối lại tour du lịch theo nhóm tới 20 quốc gia, tuy nhiên trong đó chưa có Việt Nam, Nhật Bản và một số nước trong khối EU (Liên minh châu Âu).

Theo Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), chính sách tái mở cửa của Trung Quốc được kỳ vọng là chất xúc tác lớn cho ngành hàng không Việt Nam, mặc dù sẽ có độ trễ, bởi Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng lây lan Covid-19 nghiêm trọng và sau 3 năm phong tỏa, việc mở cửa trở lại đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định với tất cả các thị trường. SSI Research dự báo lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ dần phục hồi từ quý II/2023, đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè năm 2023 và kỳ vọng năm 2024 có thể vượt con số của năm 2019.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp

Triển vọng lợi nhuận phân hóa

Năm 2022 ghi nhận sự phục hồi tốt của ngành hàng không, nhưng kết quả lợi nhuận của các DN trong ngành vẫn có sự phân hóa khá rõ nét. Trong khi nhóm DN dịch vụ sân bay ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, dần quay về mức của giai đoạn trước dịch thì kết quả kinh doanh của các hãng bay lại không khả quan.

Báo cáo tài chính của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, năm 2022, doanh thu của Tổng công ty đạt 13.834 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2021; lợi nhuận trước thuế là 8.833 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần năm 2021, vượt 34% mục tiêu doanh thu, 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại Công ty CP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (SCS), kết quả kinh doanh ghi nhận mức đỉnh lịch sử với doanh thu đạt 851 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 646 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo) cũng báo tăng trưởng lợi nhuận 6%. Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco) có lãi trở lại 39 tỷ đồng từ mức lỗ 128 tỷ đồng năm 2021. Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) báo lãi cả năm gấp 2,9 lần năm 2021.

Dù lưu lượng vận tải hành khách đã hồi phục mạnh giúp doanh thu thuần năm 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt 70.578 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần năm 2021; lỗ gộp giảm 74% so với năm 2021, nhưng áp lực chi phí tài chính tăng cao khiến Hãng tiếp tục lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên đến hơn 34.000 tỷ đồng cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu tình trạng thua lỗ giữ nguyên trong báo cáo kiểm toán năm được công bố tới đây.

Với Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet), sau khi duy trì lợi nhuận dương trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành là 2020 - 2021 đã bất ngờ báo lỗ trước thuế 1.818 tỷ đồng năm 2022, dù doanh thu thuần cả năm gấp 3 lần năm trước.

Chi phí nhiên liệu tăng cùng gánh nặng lãi vay, tỷ giá khiến lợi nhuận của các hãng bay kém khả quan, thậm chí càng bay càng lỗ. Với Vietjet, lợi nhuận gộp năm 2022 giảm hơn 128 tỷ đồng so với năm 2021, chi phí tài chính lên đến 2.732 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2021, trong khi các khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, lãi tỷ giá sụt giảm.

Báo cáo của Vietnam Airlines cho biết, trong quý IV/2022, chi phí nhiên liệu bay tăng bình quân 39,57% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí tăng, sức cầu phục hồi nhưng còn yếu, cạnh tranh trong ngành cao hơn khiến các hãng bay không dễ chuyển áp lực tăng chi phí sang khách hàng.

Năm 2023, dù bối cảnh ngành vẫn thuận lợi nhưng triển vọng lợi nhuận của DN hàng không được dự báo tiếp tục phân hóa mạnh. Lợi nhuận của các hãng dịch vụ sân bay được dự báo duy trì tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của thị trường, đa số DN có cấu trúc tài chính tốt, nhiều tiền mặt, ít nợ vay, không chịu áp lực cạnh tranh cao. Với các hãng bay, giá nhiên liệu và chi phí lãi vay, tỷ giá cao tiếp tục “bào mòn” triển vọng lợi nhuận.

Đáng lo hơn, những năm khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề nền tảng tài chính của các hãng bay, khiến cơ cấu tài chính, dòng tiền mất cân đối nghiêm trọng. Đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó có 3.390 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn, thì nợ ngắn hạn tới 53.139 tỷ đồng, bao gồm nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 13.400 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ ngắn hạn gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn, rủi ro mất thanh khoản của Hãng là rất lớn, đòi hỏi phải có phương án tái cấu trúc toàn diện để đảm bảo dòng vốn hoạt động chứ không chỉ đơn thuần chờ đợi sự hồi phục của thị trường.

Chuyên đề