Triển khai nhiều giải pháp kích thích tổng cầu nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.
Nhận diện rõ những điểm thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế
hiện nay để đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn nhằm giữ ổn định
vĩ mô hậu Covid-19 là hết sức cần thiết. Ảnh: Lê Tiên
Nhận diện rõ những điểm thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế hiện nay để đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn nhằm giữ ổn định vĩ mô hậu Covid-19 là hết sức cần thiết. Ảnh: Lê Tiên

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (gọi tắt là Hội đồng) ngày 9/7.

Tại Cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nhận diện rõ những điểm thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế hiện nay để đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn nhằm giữ ổn định vĩ mô.

“Xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn. Vì Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng nên cần lưu ý cảnh báo này trong điều hành cụ thể”, Thủ tướng nói.

Từ cách tiếp cận đó, các thành viên của Hội đồng đều đồng tình với việc cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội. TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do các hợp đồng bị phá vỡ.

Còn theo chuyên gia Bùi Đức Thụ, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Nhìn nhận từ góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, TS.Trần Đình Thiên nhận định, thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, “không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới”, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu.

Với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3 - 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Hội đồng cũng đặt ra việc cần nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực. Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có thêm nguồn lực.

“Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu: ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân; các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tập trung kích cầu nội địa, nghiên cứu những thị trường mới.

Mặt khác, theo Thủ tướng, tinh thần là càng khó khăn, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhất là làm sao tạo môi trường đầu tư tốt hơn. “Đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là không để đi sau trong thu hút nguồn dịch chuyển đầu tư khu vực, quốc tế, đang có sự dịch chuyển lớn trên toàn cầu”, Thủ tướng chỉ đạo.

Chuyên đề