Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể từ 6,5 - 6,7%. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều dự báo khả quan
Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021 có dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. GDP quý I/2021 ước tăng 4,48% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,68%), cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Trong Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, với tốc độ lần lượt là 8,1% và 6,6%. Các quốc gia còn lại trong khu vực dự kiến chỉ đạt mức 4,4%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì thế thời gian tới các bộ, ngành liên quan tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường.
Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Việt Nam đã và đang chống chịu rất tốt trong khủng hoảng Covid-19, ở một số lĩnh vực đã biến khủng hoảng thành cơ hội. Việt Nam đã tranh thủ cơ hội tăng tỷ trọng trong thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp rời Trung Quốc chọn Việt Nam làm điểm đến. Bùng nổ công nghệ số đã trở thành hiện thực, doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng nền tảng số và Chính phủ điện tử không còn là khái niệm ảo…
Ông Jacques Morisset chia sẻ, không chỉ WB mà nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể từ 6,5 - 6,7%. Nếu Việt Nam vẫn làm tốt công tác khống chế dịch như hiện tại thì sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh tế, tạo động lực tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đồng thời, nếu thế giới kiểm soát dịch tốt hơn thì cũng là cơ hội cho Việt Nam.
Tập trung triển khai giải pháp kích thích tăng trưởng
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.
Trong bối cảnh này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn của dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.
Theo Bộ KH&ĐT, chỉ số giá ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế; triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung các ngành, lĩnh vực, đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì thế thời gian tới các bộ, ngành liên quan tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường.
Trong Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2020 vừa công bố sáng 31/3, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng khuyến nghị chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến, là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thống trong tương lai…
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, nguồn lực hỗ trợ nên giúp cho nền kinh tế “thay máu”, để khi có cơ hội phục hồi sẽ bứt phá mạnh mẽ. Dưới tác động của dịch Covid-19, thế giới có thể tang thương nhưng khu vực kinh tế hiện đại, kinh tế số và những tập đoàn khổng lồ vẫn phát triển. Đó là minh chứng để cần có định hướng rõ hơn về chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Theo Bộ KH&ĐT, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01/NQ-CP); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).