Thu hút FDI xanh: Chuyển động để bắt kịp xu hướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Người tiêu dùng các quốc gia phát triển ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp. Nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót tiền cũng phải cân nhắc liệu sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có đủ sức cạnh tranh, không chỉ về giá cả, mà cả về tiêu chí thân thiện môi trường, cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.
Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong khi ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong khi ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều tỷ USD chờ đầu tư vào lĩnh vực xanh

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lĩnh vực tăng trưởng xanh”. Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ quan điểm trên tại cuộc họp báo mới đây. “Con tôi sống ở London, có một ứng dụng trên điện thoại có thể xem được lượng phát thải của sản phẩm như thế nào, trước khi mua gì đều kiểm tra. Ví dụ khi mua cái áo phông, sẽ xem trong quá trình sản xuất phát thải carbon nhiều hay ít và sẽ mua cái áo có lượng phát thải thấp”, bà Carolyn Turk nói và cho rằng, người tiêu dùng châu Âu mong muốn được sử dụng sản phẩm sản xuất trong các nhà máy dùng năng lượng tái tạo. Việt Nam cần tính toán để giảm giảm bớt lượng khí nhà kính phát thải trong hàng hóa xuất khẩu. Các nhà máy sản xuất tại Việt Nam thường dùng điện than, nguồn điện có phát thải carbon lớn, dẫn đến dấu vết carbon trong hàng hóa xuất khẩu cao hơn. Việc sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo cho sản xuất là cần thiết và nhiều nhà đầu tư mong muốn được tiếp cận nguồn năng lượng này.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam thì cho biết, có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi chảy vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được lượng vốn này, nhà đầu tư mong muốn được các bộ, ngành Việt Nam hợp tác tháo gỡ một số khó khăn.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ, các thành viên EuroCham có thế mạnh trong lĩnh vực xanh và tăng trưởng bền vững. EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và trong tương lai có kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn cao hơn như Euro 5 đến Euro 10, hoặc bất kỳ nhiên liệu sinh học nào khác giúp giảm mạnh lượng khí thải.

Cần có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Tiên

Cần có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thiện khung pháp lý đón dòng vốn mới

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB, theo đó, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác.

Theo VCCI, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa những chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; ưu tiên dự án có mô hình tăng trưởng xanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch.

VCCI cho rằng, khung pháp lý về tăng trưởng xanh đang ngày càng được hoàn thiện ở cấp trung ương, nhưng ở cấp địa phương vẫn ở giai đoạn sơ khởi. Việc xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung là rất cần thiết để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh, phát thải carbon cao như nông nghiệp, du lịch, năng lượng… Chính quyền các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch, chiến lược tăng trưởng xanh triển khai khung chính sách, chiến lược cấp trung ương. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án tiềm năng và đang hoạt động, nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường.

Nhóm Công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, có thể cải thiện khung pháp lý hơn nữa nhằm thu hút nguồn vốn cần thiết để giảm dần sự phụ thuộc vào điện than. Việt Nam sẽ cần các dự án năng lượng khả thi cả về mặt kinh tế và tài chính. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét tạo ra khung pháp lý có thể hỗ trợ các dự án năng lượng chất lượng cao nhận được vốn từ thị trường tài chính quốc tế.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để phát triển nền kinh tế theo xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050. Tháng 12/2022, Việt Nam cùng các nước G7 và đối tác quốc tế khác, ký Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đạt được thoả thuận về việc nhận khoản hỗ trợ khoảng 15,5 tỷ USD của nước ngoài cho việc chuyển đổi năng lượng sạch. Những cam kết và nỗ lực này của Việt Nam được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao, kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới thu hút dòng vốn vào các lĩnh vực xanh. Tuy nhiên, sẽ vẫn cần thêm những chuyển động chính sách cụ thể để hiện thực hóa những kế hoạch của nhà đầu tư quốc tế.

Chuyên đề