Hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân (Khánh Hòa) đã bắt đầu xuống cấp. Ảnh: Hà Minh |
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 3/2015 với quy mô 110 ha, tổng mức đầu tư 385 tỷ đồng (từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của địa phương) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa làm đại diện chủ đầu tư. Dự án hướng đến mục tiêu tạo ra vùng sản xuất tôm giống tập trung, cơ sở kiểm định và quản lý chất lượng giống tôm tập trung, áp dụng và thực hiện chương trình chuẩn hóa sản xuất tôm giống từ tôm bố mẹ sạch bệnh, đầu tư xây dựng các trại sản xuất giống tôm an toàn sinh học.
Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 60 ha, đã hoàn thành hạ tầng, được tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quyết toán từ tháng 9/2020. Trong 60 ha này, hạ tầng phục vụ sản xuất tôm giống là 29 ha và 31 ha/9 lô kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm giống, đường giao thông đến dự án, đường giao thông nội vùng dự án, hệ thống cấp, thoát nước biển, nước ngọt cho sản xuất giống và sinh hoạt, kênh thoát lũ, ao trữ nước ngọt, ao sử dụng nước thải, hệ thống cấp điện tổng thể và chiếu sáng, xây dựng khu quản lý kiểm định diện tích hơn 1 ha và thiết bị trạm biến thế…
Bên cạnh đó, Đề án kêu gọi đầu tư vào vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân cũng đã được Sở NN&PTNT hoàn thành. Theo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục sau đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư sản xuất chưa thực hiện được do vướng các cơ sở pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực: đầu tư, đất đai, tài sản công.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Đất đai, dự án này thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm nên thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai cũng quy định, trong trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng, trên đất có tài sản của Nhà nước thì phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Các cơ quan chức năng không thể xác định được việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư thứ cấp tại dự án này có phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay không?
Liên quan đến pháp luật về đấu thầu, dự án không thuộc phạm vi dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ; đồng thời, chưa được quy định theo pháp luật chuyên ngành. Do đó, dự án không thuộc diện dự án có sử dụng đất phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung thuộc nhóm hạ tầng nào (hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay hạ tầng khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại). Do đó, việc quản lý hạ tầng tại Dự án sau khi hoàn thành đầu tư chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Đối với các khó khăn, vướng mắc trên, trong báo cáo gửi đoàn giám sát HĐND Tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, báo cáo các bộ, ngành Trung ương có liên quan xem xét, hướng dẫn cụ thể, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn còn mang tính chất chung chung. Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu… đã có hiệu lực thi hành, cần tiếp tục chờ hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn để có cơ sở triển khai thực hiện.
Được biết, sau kỳ giám sát cuối tháng 9/2024, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở NN&PTNT và các sở, ngành, địa phương có báo cáo, văn bản giải trình gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tỉnh hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý sau đầu tư đối với Dự án. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, rà soát, tiếp tục tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương đối với các vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định pháp luật hiện hành, hoàn thành các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài sản công... để sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Các tiêu chí thu hút đầu tư vào vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân: doanh nghiệp phải đáp ứng đầu tư quy mô tối thiểu 2 ha để xây dựng trại giống, suất đầu tư 9 tỷ đồng/ha, năng lực sản xuất trung bình 200 triệu con tôm giống kích cỡ P15/năm; thời hạn cho thuê đất sản xuất tối đa không quá 50 năm. Về công nghệ, phải đảm bảo sản xuất tôm giống chất lượng cao, an toàn sinh học; đồng thời phải đảm bảo năng lực tài chính...