Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Hiện hữu nguy cơ chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, để giải bài toán nguồn cung cát cho Dự án thành phần (DATP) 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, địa phương đang kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép sử dụng rộng rãi cát biển đối với các đoạn DATP 4 nhiễm mặn không phải thí điểm mở rộng và sử dụng cát biển qua rửa mặn đối với các vùng khác.
Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện giải ngân được 1.368 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Ngọc Tuấn
Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện giải ngân được 1.368 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Ngọc Tuấn

DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công từ tháng 6/2023, nhưng đến tháng 4/2024, các nhà thầu vẫn chưa có cát đắp nền phục vụ thi công đồng loạt các hạng mục nên khối lượng thi công đạt rất thấp. Theo tính toán của tỉnh Sóc Trăng, khối lượng cát tối đa có thể cung cấp từ 4 mỏ cát cho DATP 4 đến tháng 6/2025 là 1,7 triệu m3; so với tổng nhu cầu cát của DATP4 thì thiếu khoảng 4,9 triệu m3. Nếu không xoay xở đủ nguồn cát kịp thời, tiến độ xây dựng tuyến cao tốc này sẽ ảnh hưởng lớn.

Dự án gồm nhiều gói thầu, trong đó, Gói thầu số 9 Thi công xây lắp đoạn Km131+300 đến Km144+500 có giá 2.359 tỷ đồng, do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 - Tổng công ty Thành An đảm nhận. Gói thầu số 10 Thi công xây lắp đoạn Km144+500 đến Km159+500 (2.444 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP Đầu tư Xây lắp 6 - Công ty CP Vinadelta - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thực hiện.

Gói thầu số 11 Thi công xây lắp đoạn Km159+500 đến Km174+000 (hơn 2.290 tỷ đồng) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty CP Đầu tư xây lắp miền Nam - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đảm nhận. Gói thầu số 12 Thi công xây lắp đoạn Km174+000 đến Km189+666,65 (2.100 tỷ đồng) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Xây dựng Cầu 75 - Công ty CP Thương mại và Xây dựng Phương Đông - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty CP Đầu tư xây dựng ĐMA - Tổng công ty Thành An thực hiện.

Để có nguồn cát thi công Gói thầu số 9, tỉnh Sóc Trăng giao cho Tổng công ty CP Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) mỏ MS06 áp dụng theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy cát không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng và tạo thành mỏ khai thác công nghiệp. Cienco5 đã kiến nghị địa phương xem xét bố trí mỏ khác để lập thủ tục khai thác, hoặc ưu tiên nguồn cát thương mại từ các mỏ gia hạn.

Với Gói thầu số 10, Sóc Trăng giao Công ty CP Hải Đăng mỏ MS11 để khai thác cát. Hải Đăng đã triển khai khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng và hoàn thành công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 4/2024 để trình thẩm định. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng được giao mỏ MS05 cung cấp cát cho Gói thầu số 11; Tổng công ty CP Xây dựng số 1 được giao mỏ MS03, MS14 để phục vụ thi công Gói thầu số 12.

Ban Quản lý dự án tỉnh Sóc Trăng cho biết, Tỉnh đã cấp phép nhiều mỏ, nhưng đến nay mới chỉ có 2 mỏ đủ điều kiện khai thác.

Với phương án khai thác cát biển, hiện có 3 mỏ được triển khai. Theo đó, mỏ B1.1 và B1.2 được cấp phép cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C với tổng trữ lượng 5.494.232 m3, tổng diện tích 199,1 ha. Giữa tháng 11/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến góp ý và UBND Tỉnh đang xem xét quyết định. Mỏ B1.3 được giao cho Tổng công ty CP Xây dựng số 1. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến của Chính phủ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, cùng với kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng rộng rãi cát biển, Sóc Trăng có đề nghị xem xét cho phép điều chuyển khối lượng cát biển từ mỏ B1.2 và B1.3 cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sang cung cấp cho DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

“DATP 4 đi qua khu vực có nền đất yếu, phải sử dụng khối lượng lớn cát để đắp nền, gia tải. Thực tế, Sóc Trăng không có mỏ đá, đất sét đắp lề và phải sử dụng các vật liệu ngoài tỉnh nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí xây dựng công trình. Cái khó hơn là, chúng tôi ở cuối nguồn sông Hậu nên chất lượng các mỏ cát sông chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Nghiệp nói và cho biết, Sóc Trăng đặt kỳ vọng và đang tiến hành khảo sát thêm mỏ cát MS11 có trữ lượng 5 triệu m3.

DATP 4 có tổng mức đầu tư 11.961 tỷ đồng, năm 2024 được bố trí 2.322 tỷ đồng, hiện giải ngân được 1.368 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch. Đến nay, giá trị thực hiện là 1.223,2 tỷ đồng, đạt 15,2% giá trị hợp đồng, chậm 9,1% so với kế hoạch.

Chuyên đề