Thâu tóm quỹ đất ngày một sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều loại hình kinh doanh, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch thâu tóm quỹ đất quy mô lớn.
Thị trường bất động sản Việt Nam sôi động với các giao dịch thâu tóm quỹ đất quy mô lớn. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Thị trường bất động sản Việt Nam sôi động với các giao dịch thâu tóm quỹ đất quy mô lớn. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Quy mô giao dịch tăng lên đáng kể

Theo JLL, quy mô giao dịch bất động sản tính theo diện tích đất (ha) đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2020 đến tháng 6/2021 - tức trước thời điểm TP.HCM bước vào gian đoạn giãn cách theo Chỉ thị 16.

Đơn cử, đầu năm 2021, Vinhomes đã công bố việc Công ty và các công ty con hoàn tất mua lại 99% cổ phần trong Công ty Đại An từ các đối tác tại Hưng Yên với tổng giá phí là 4.554 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Nam Long đã công bố việc thâu tóm toàn bộ cổ phần của dự án 170 ha tại tỉnh Đồng Nai từ Keppel Land.

Dự án này mang tên Thành phố Izumi, sẽ được phát triển bởi Nam Long, bắt tay cùng Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties đến từ Nhật Bản, trong đó Nam Long có 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần, với tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng, tương đương 803,5 triệu USD.

Dọc theo các thành phố ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, gần đây cũng đang dần trở nên sôi động với nhiều thương vụ thâu tóm quỹ đất lớn.

Tập đoàn Danh Khôi thời gian qua cũng đã mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng có diện tích khoảng 0,3 ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier.

Trước đó, nhà phát triển này cũng đã thâu tóm hơn 11.000 m2 đất tại Khu dân cư Cồn Tân Lập ở Nha Trang từ Công ty CP Sông Đà Nha Trang.

Nhiều chủ đầu tư lớn như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, DIC Corp đã tuyên bố việc tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất để chuẩn bị cho chặng đường phía trước.

JLL nhận định, quỹ đất tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ngày càng khan hiếm trong khi giá đất không ngừng tăng cao. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chuyển sang các khu vực vệ tinh, các vùng ven biển miền Trung, hay thậm chí là khu vực Tây Nguyên.

Cuộc đua quỹ đất nói lên điều gì?

Đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thông thường, để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố, đó là khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn.

Bởi, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài; năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.

Với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước dịch Covid-19, cuộc đua thâu tóm quỹ đất cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục sôi động, giúp thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới. Các chuyên gia dự báo, giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường nhà ở sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn phục vụ cho người dân.

Theo JLL, Việt Nam có tầng lớp dân số trẻ, sinh sống chủ yếu trong các thành phố lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng phát triển nhà ở ra các tỉnh vệ tinh có kết nối thuận tiện với thành phố, như một dự án tích hợp quy mô lớn với đầy đủ tiện nghi bên trong nội khu hoặc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

Đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính. Vì vậy, chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Chuyên đề