Đến thời điểm hiện tại, đã có 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên |
58/111 quy hoạch đã được thẩm định
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tính tới thời điểm này, số lượng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch mới chỉ đạt 16%, như vậy vẫn còn 84% số lượng quy hoạch sẽ phải làm. Trong đó, số lượng quy hoạch phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến thời điểm hiện tại, có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo 10 nhiệm vụ, giải pháp cần làm để triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia
Bộ KH&ĐT chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác quy hoạch như: việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch còn chậm so với yêu cầu; quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian; các bộ tham gia ý kiến và cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch còn chậm; việc rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành nên kéo dài thời gian; nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ; một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với thực tế của địa phương, chưa tạo được sự chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội và có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đề ra trong quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ được giao xây dựng 2 quy hoạch (Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng; Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia). Trong quá trình thực hiện, Bộ gặp khó khăn, vướng mắc về nội hàm tích hợp, chưa có thống nhất cụ thể trong lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng để đưa ra các phương án về hệ thống quy hoạch đô thị, phát triển đô thị.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tới thời điểm này, Hà Nội mới thực hiện xong bước lựa chọn nhà thầu tư vấn để lập quy hoạch. Công tác triển khai quy hoạch chậm, lãnh đạo TP. Hà Nội đã nghiêm túc nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ. Nguyên nhân chính là địa phương còn lúng túng trong câu chuyện sử dụng nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch. “Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công thì quy trình quá lâu, nếu sử dụng vốn sự nghiệp thì không được phép. Hà Nội đã mất từ 6 - 7 tháng với vấn đề nguồn vốn”, ông Trần Sỹ Thanh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì chia sẻ, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch Tỉnh, Nghệ An gặp vướng mắc trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ. Với định hướng tạo không gian phát triển, Tỉnh nhận thấy có một số chỉ tiêu sử dụng đất để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển đô thị theo Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn thấp, một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với nhu cầu của Tỉnh để đưa vào Quy hoạch.
Một số ý kiến khác đề xuất, sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thực hiện phân cấp, cho địa phương thẩm quyền được phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh, tổ chức thực hiện một số chỉ tiêu, vấn đề không quá phức tạp… để các địa phương có thể chủ động đẩy nhanh tốc độ thực hiện các quy hoạch.
Tính đến nay, cả nước mới có 8 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Tuyên Quang.
Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng quy hoạch
Lắng nghe báo cáo và các ý kiến từ bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất là còn một số vướng mắc về pháp lý; tác động của dịch Covid-19; trong khi đây là vấn đề lớn, mới, khó, nhạy cảm và chưa có tiền lệ; có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự cố gắng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác quy hoạch theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch phù hợp tình hình hiện nay theo trình tự rút gọn, nhanh nhất có thể. Các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ được phân công.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định, rà soát lại quy định của Hội đồng thẩm định, rà soát thời gian, thời hạn trả lời của các cấp, chủ thể có liên quan. Phải đổi mới triệt để cách làm, quy định về thời gian, có tính chuyên nghiệp đối với công tác quy hoạch trong bối cảnh thực tiễn diễn biến nhanh, không có quy hoạch thì không làm được các việc khác.
Dự kiến sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công bố bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của đất nước
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội đồng thời phát triển 4 vùng động lực quốc gia là những định hướng chiến lược trong Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia, sáng 20/4/2023. Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu thành quả to lớn được tạo nên từ rất nhiều công sức, trí tuệ, quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của 30 viện nghiên cứu, với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để xây dựng nên một bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng quốc gia phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và mục tiêu, định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15. Các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.