Tháo gỡ vướng mắc của thị trường bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng ngày 25/10/2021 thảo luận về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, không thể để tình trạng Luật ban hành xong cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành.
Dự kiến Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022 - ảnh Thành Chung
Dự kiến Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022 - ảnh Thành Chung

Trong thời gian tới vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được đưa thực thi ngay có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Sau quá trình tiếp thu, xin ý kiến, chất lượng Dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên, nội dung tiếp thu rất nhiều, nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ban hành được 20 năm. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn. Mặt khác, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Chủ trương, mong muốn của chúng ta là tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học, công nghệ... Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng Dự thảo Luật.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô… Trong bảo hiểm phi nhân thọ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần hết sức quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp. Đặc thù nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại rất lớn, nhưng hiện nay mới chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động trợ giúp, thiện nguyện của xã hội còn việc bù đắp thiệt hại qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí bảo hiểm ngư nghiệp, lâm nghiệp hiện chưa có, bảo hiểm cây trồng vật nuôi cũng mới đang thí điểm. Để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp là rất khó nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể không làm. Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô trong dự án luật này bởi Chiến lược tài chính toàn diện là do Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhưng bảo hiểm vi mô lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Bảo hiểm vi mô đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế thì rất tốt nên cần tổng kết, đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua, nhất là do Mặt trận Tổ quốc và Hội Phụ nữ thực hiện để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm vi mô trên cơ sở chiến lược tài chính toàn diện...

Chuyên đề