Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT sẽ được xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, NIC có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời nâng cấp công nghệ để đạt hiệu quả cao hơn, năng suất cao hơn, cạnh tranh hơn.
Cụ thể, Đề án NIC nêu rõ, NIC là tổ chức kết nối các bên có liên quan, tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên một vùng hay khu vực, trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của khu vực và vùng được chọn. Trung tâm thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cho các DN Việt Nam, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, ĐMST trên phạm vi quốc gia; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN4.0.
Với vai trò là một trung tâm quốc gia, NIC sẽ kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ ĐMST và phát triển công nghệ hiện tại, tạo thành hệ thống ĐMST trên khắp cả nước, qua đó, góp phần phát triển và nâng cấp năng lực công nghệ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Trung tâm giúp nâng cao năng lực công nghệ và ĐMST của các DN và nền kinh tế, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình cao.
Trước mắt, NIC tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên, đó là: Nhà máy thông minh; thành phố thông minh; truyền thông số; công nghiệp an ninh mạng; công nghiệp môi trường.
Theo Bộ KH&ĐT, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo thuận lợi tối đa cho nghiên cứu phát triển, ĐMST và khởi nghiệp. Đây cũng là một trong các yếu tố cần thiết cho sự thành công của Trung tâm. Đó phải là một môi trường kinh doanh có khả năng cạnh tranh đủ mức thu hút tài năng, thu hút các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư, và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nhân, DN khởi nghiệp sáng tạo tăng tốc, có thể mở rộng quy mô và tiếp cận được với thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, tại Đề án, một loạt cơ chế khuyến khích, ưu đãi vượt trội đối với NIC và các cá nhân, tổ chức hoạt động trong NIC đã được đưa ra.
Điển hình như: doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp; được nhận tài trợ nghiên cứu và phát triển từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các tổ chức trong nước và nước ngoài; được thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ theo một cơ chế ưu tiên (fast-track) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành riêng cho Trung tâm… Các DN khởi nghiệp đăng ký hoạt động trong NIC được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN; được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Bày tỏ vui mừng với việc thành lập NIC, chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup cho rằng, sự ra đời của NIC sẽ giúp họ có thêm nhiều cơ hội để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm đối tác ngay tại Việt Nam thay vì phải đi khởi nghiệp ở nước ngoài.
Chung góc nhìn này, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Holomia kỳ vọng, NIC sẽ lấp được những “khoảng trống” mà các DN khởi nghiệp Việt Nam đang gặp phải, đó là: thiếu vốn; thiếu hỗ trợ kết nối…
Trong khi đó, ông Thân Hữu Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng mong muốn NIC sẽ là nơi kết nối, chia sẻ hữu ích các giải pháp về công nghệ để giúp DN sản xuất chuyển đổi, xây dựng nhà máy thông minh theo kịp, vượt lên trong cuộc CMCN 4.0.
Với việc NIC được thành lập, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, thông qua NIC, giới khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ, để có thể phát triển mạnh hơn nữa. Đồng thời, đây sẽ điều kiện để Việt Nam đạt được sự tăng trưởng vượt bậc về nguồn vốn đầu tư ĐMST, hỗ trợ tối đa cộng đồng khởi nghiệp.