Thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 22/12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Qua phân tích, đánh giá hiện trạng tổng hợp của tỉnh Yên Bái, có thể nhận thấy các điểm nghẽn lớn đối với phát triển kinh tế của Yên Bái gồm: kết cấu hạ tầng diện rộng chưa đồng bộ, liên kết giữa các huyện trong Tỉnh chưa tốt; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đô thị còn hạn chế; dân số ít, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tốc độ tăng trưởng dân số toàn Tỉnh và dân số đô thị chậm; địa hình đồi núi, một số khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Bên cạnh đó, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ ra 5 điểm mạnh cần khai thác để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đặt quan điểm phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Theo đó, Yên Bái sẽ là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nền kinh tế phát triển toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức khá của cả nước. Theo hướng này, Yên Bái sẽ duy trì môi trường sinh thái bền vững; thúc đẩy kinh tế phát triển đồng đều theo hướng gia tăng giá trị và năng suất; trở thành là điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện; nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện ở mọi mặt - hình thành nên một cộng đồng đáng sống.

Quy hoạch Tỉnh xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: Công nghiệp chế biến chế tạo; Du lịch; Kinh tế dịch vụ; Nông lâm nghiệp. Trong đó, trụ cột Công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái đưa ra 3 kịch bản phát triển thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế, Quy hoạch đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021 - 2030 đạt bình quân 8,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,0%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 125 triệu đồng/người (tương đương khoảng 4.400 USD/người). Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động khoảng 280 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kịch bản đã xác định, Yên Bái sẽ hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng (TP. Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận); 3 vùng kinh tế (vùng kinh tế trung tâm; vùng kinh tế phía Đông; vùng kinh tế phía Tây); xây dựng 6 trục liên kết động lực: trục động lực cao tốc Nội Bài - Lào Cai; trục dọc Quốc lộ 32; trục dọc Quốc lộ 70; Quốc lộ 32D, CT12; trục Mường La - MCC - Văn Chấn - Văn Yên - ĐT 166, 164, 171; Quốc lộ 37...

Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, quá trình lập Quy hoạch Tỉnh gặp những khó khăn nhất định, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia, đến nay tiến độ lập Quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tổng hợp ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đề nghị Báo cáo Quy hoạch cần đánh giá việc thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 để tìm ra các điểm nghẽn cần xử lý, tạo không gian phát triển mới trong thời gian tới. Đơn cử, là địa phương có nền kinh tế có quy mô nhỏ, xếp thứ 56/63 cả nước và thứ 9/14 trong vùng, động lực tăng trưởng hạn chế, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cấp bách, đòi hỏi phải tăng cường thu hút các nguồn vốn lớn vào khu vực 2, khu vực 3 là một trong những điểm nghẽn, hạn chế cần giải quyết trong kỳ quy hoạch tới. Cùng với đó, liên kết vùng chưa được tăng cường và thúc đẩy, đặc biệt liên kết vùng theo hướng Đông Tây rất khó khăn. Những điểm nghẽn này là các bài toán đặt ra cho phương án phát triển kinh tế.

Sau phiên họp thẩm định, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình các ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư