Ảnh minh họa: Internet |
Chậm đổi mới mô hình phát triển
Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, lũy kế đến cuối tháng 6/2021, hệ thống KCN, KKT đã được hình thành trên các vùng kinh tế của cả nước, 395 KCN đã được thành lập (bao gồm 351 KCN nằm ngoài các KKT, 36 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 122,4 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 81,2 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 nghìn ha. Các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu NSNN để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. Đồng thời, KCN, KKT là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 82/2018/NĐ-CP từ các bộ ngành, địa phương, việc phát triển KCN, KKT hiện đang gặp một số vấn đề như: mô hình phát triển của các khu chậm được đổi mới; hạ tầng xã hội chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN, KKT; khả năng cân đối từ NSTW để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT có hạn; mức vốn phân bổ hàng năm cho các địa phương còn hạn chế; việc phân bổ vốn kéo dài dẫn đến chậm hoàn thành các hạng mục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, giảm hiệu quả vốn đầu tư...
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP sẽ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý và giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT.
Tạo thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định đang được cơ quan soạn thảo xây dựng gồm 8 Chương, 73 Điều hướng tới việc đưa ra quy trình đầu tư, xây dựng KCN, KKT được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Khuyến khích các địa phương phát triển các loại hình KCN mới; dành quỹ đất với giá cho thuê lại hợp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên theo quy định của pháp luật về đầu tư. Bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh tình trạng đầu tư tràn lan…
Đơn cử, Dự thảo Nghị định bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT.
Dự thảo Nghị định cũng bãi bỏ thủ tục thành lập KCN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và địa phương trên cơ sở quy mô diện tích và địa điểm thực hiện KCN được phê duyệt tại quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch phân khu xây dựng KCN. Việc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công sau khi có quy hoạch xây dựng KCN được phê duyệt là đủ cơ sở để xác định thời điểm KCN được thành lập.
Có một thực tế, việc ưu tiên bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các đối tượng khác được ưu tiên theo quy định còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng thường ưu tiên cho thuê lại đất đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng diện tích đất rộng. Việc tiếp cận quỹ đất đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu tiên còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định, KCN phải dành tối thiểu 3 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư…