Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi nếu để thị trường quyết định giá cả mặt hàng xăng dầu. Ảnh: Lê Tiên |
DN “nghẹt thở” vì mệnh lệnh hành chính
Hàng trăm DN kinh doanh xăng dầu, chuyên gia, nhà quản lý đã có mặt tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa diễn ra tại Hà Nội. Các đại biểu đã phân tích, mổ xẻ những vấn đề bất cập, đồng thời đề xuất những giải pháp căn cơ để thị trường xăng dầu ổn định lâu dài.
Ông Hà Thanh Tùng (Công ty TNHH Thương mại Vận tải xăng dầu tại Hà Giang) cho biết, hiện nay nhiều DN bán lẻ bị DN phân phối áp mức chiết khấu bằng 0 đồng, trong khi để duy trì hoạt động một cửa hàng xăng dầu cần ít nhất là 100 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN lỗ triền miên trong 1 năm qua. Nhưng nghịch lý là mặc dù lỗ, DN vẫn phải bán hàng, nếu không sẽ bị phạt.
Đối với DN phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai chia sẻ, hiện có nhiều quy định đi ngược lại quy luật thị trường như lỗ cũng phải bán vì không bán sẽ bị phạt, bán hàng nhưng không được quyền ra giá (giá trần do Nhà nước quy định), bị khống chế số lượng đầu mối mua hàng, đóng quỹ để bình ổn giá xăng dầu nhưng khi giá “nhảy múa” thì quỹ không bình ổn được giá…
Mang tiếng là “lãi hàng nghìn tỷ đồng”, nhưng theo ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Công ty MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), DN đầu mối, nhập khẩu cũng có những nỗi khổ riêng, như: phải nhập khẩu đủ nguồn hàng, phải bán hàng 24/24, “lỗ không dám kêu”, giá mua “trên trời”, mua bằng USD nhưng bán bằng VND trong khi tỷ giá biến động mạnh, lãi ngân hàng tăng cao; chi phí lưu kho vì quy định phải dự trữ hàng hóa trong thời hạn 20 ngày…
Những phản ánh từ thực tế nêu trên cho thấy, không chỉ khối DN bán lẻ mà tất cả DN trong chuỗi cung ứng xăng dầu đang rơi vào tình thế đầy khó khăn, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. Nếu chiết khấu 0 đồng thì làm sao DN bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh? Nếu đứt gãy chuỗi bán lẻ thì DN phân phối, đầu mối bán hàng cho ai? Nếu lỗ thì DN đầu mối làm sao tăng chiết khấu cho DN phân phối, bán lẻ?
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu buộc phải bán hàng cho dù lỗ, nếu không thì bị phạt. Ảnh: Song Lê |
Thể chế cần tạo động lực cạnh tranh
Tại Hội thảo, nhiều đề xuất đối với việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu đã được đưa ra. Trong đó, DN bán lẻ cho rằng, Nhà nước cần quy định hạn mức chiết khấu tối thiểu, được mua hàng của nhiều nơi... DN phân phối đề nghị giữ nguyên "thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày nếu giảm giá” như quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP… DN đầu mối nhập khẩu đề xuất tăng định mức phí lưu kho…
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, quan trọng, ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế và là một trong những yếu tố có tác động lớn đến chỉ số CPI. Cho nên, việc sửa Nghị định cần hài hòa lợi ích giữa DN, người dân, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết được căn cơ những nút thắt gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Thể chế cần tạo động lực cho DN muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không chỉ nới các quy định hiện hành trong điều kiện trước mắt, mà nên bỏ quy định về trần giá bán lẻ xăng dầu, bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bỏ quy định chu kỳ điều hành giá… và tính tới giải pháp lâu dài là thúc đẩy thị trường cạnh tranh.
Theo ông Cung, việc nhà quản lý lo lắng nếu như không quản lý giá xăng dầu thì sẽ lạm phát là điều rất phi lý. “Trước đây, chúng ta cũng đã từng lo lắng nếu không quản lý giá gạo thì dân sẽ đói. Nhưng thực tế khi để cho thị trường quyết định giá cả, DN và người dân được hưởng lợi rất nhiều…”, ông Cung nhấn mạnh.
Mặt khác, nếu Nhà nước quản lý sẽ làm tăng thêm chi phí bình ổn, tăng thuế đối với DN... Thay vào đó, Nhà nước có thể giảm thuế cho DN, thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hạn chế DN gia nhập thị trường. Ông Cung cho rằng, Nhà nước chỉ nên giữ lại những quy định về chất lượng, tiêu chuẩn…; lập hội đồng để xây dựng công thức tính giá, công bố giá tối đa làm giá tham chiếu cho các DN tự tính toán.
“Việc bảo đảm cung cấp xăng dầu ổn định và liên tục là trách nhiệm của Nhà nước. Không thể đẩy trách nhiệm đó sang DN, bắt DN phải làm thay Nhà nước là điều bất công. Nhà nước lập Quỹ dự trữ xăng dầu để có thể điều chỉnh thị trường bằng việc mua vào bán ra khi cần thiết”, ông Cung khuyến nghị.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trái ngược với mục tiêu thành lập Quỹ là để bình ổn giá, thực tế việc sử dụng công cụ này trong điều hành thời gian qua không bảo đảm “bình ổn”, thậm chí gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.