Dịch Covid-19 được kiểm soát càng sớm thì hoạt động gia nhập thị trường của DN càng có nhiều lợi thế để phục hồi, phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh
Thông tin về “sức khỏe” của DN Việt Nam, Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động gia nhập thị trường của DN bị ảnh hưởng mạnh.
Trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số DN, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 7/2021. So với cùng kỳ năm trước, số DN đăng ký thành lập trong tháng 8 giảm 57% và giảm 76,5% về số vốn đăng ký.
Cả nước có 3.865 DN quay trở lại hoạt động trong tháng 8, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số DN rút lui khỏi thị trường là 6.441 DN, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động, giảm 8% về số DN, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung thông qua hoạt động đăng ký DN trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 8 tháng qua, cả nước có 32,4 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 85,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 43,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Đề cập về nguyên nhân khiến số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục giảm trong tháng 8, số DN tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng, một chuyên gia chỉ ra 2 nguyên nhân chính. Đó là dịch Covid-19 với chủng mới diễn biến phức tạp và giãn cách kéo dài ở một số địa phương, trong đó có nhiều địa phương phía Nam (nơi thường có số DN đăng ký gia nhập thị trường lớn). Hơn nữa, tháng 8/2021 cũng trùng với tháng 7 Âm lịch, số DN đăng ký thành lập thường ít hơn các tháng khác trong năm.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Về tình hình thành lập DN từ nay tới cuối năm 2021, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động đăng ký thành lập DN sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Dịch Covid-19 được kiểm soát càng sớm thì hoạt động gia nhập thị trường của DN càng có nhiều lợi thế để phục hồi, phát triển. Đó là lợi thế về sự năng động, sáng tạo của DN; lợi thế về một thị trường rộng mở thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa có hiệu lực… Sắp tới, việc tăng tốc thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là “chìa khóa” để phục hồi sự phát triển của DN, trong đó có việc gia nhập thị trường.
Khẳng định tinh thần đồng hành cùng DN, tại Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đã đề xuất nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ DN. Theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, những nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết mang tính tổng thể, rất cần thiết để hỗ trợ DN, giúp DN “tăng sức đề kháng” vượt qua khó khăn, thách thức.
Đối với hoạt động đăng ký kinh doanh, ngoài việc thực hiện những giải pháp chung của Chính phủ để hỗ trợ DN, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh đẩy mạnh thực hiện đăng ký DN qua mạng; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm tạo thuận lợi cho quản lý, giảm thiểu thủ tục và chi phí cho DN; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Với các giải pháp đã, đang và sắp được triển khai, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu hy vọng, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sôi động, DN thành lập mới sẽ “bừng nở” trở lại.
Một số chuyên gia khác cho rằng, con số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động trong tháng 8 và 8 tháng cho thấy, xu hướng thanh lọc mạnh mẽ tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề kinh doanh. Khủng hoảng, khó khăn hay các yếu tố tiêu cực cũng là lúc các DN phải tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)