Tăng cường đấu thầu, đấu giá mỏ khoáng sản để tăng nguồn thu, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, số giấy phép được cấp qua đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản chỉ chiếm dưới 2% trong tổng số hơn 5.600 giấy phép còn hiệu lực. Như vậy, theo ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC, phần lớn giấy phép vẫn được cấp theo cơ chế "xin - cho".
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, ông Sơn cho rằng, quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật xác định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là khu vực có "khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp" là bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại. Với quy định như vậy, Nhà nước sẽ thất thu đối với những loại khoáng sản như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… có nhiều tiềm năng khai thác và có giá trị thương mại lớn.

Liên quan đến mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho rằng, khoáng sản là sở hữu toàn dân, cho nên việc tổ chức đấu giá phải tính đến lúc hoàn thành dự án đầu tư, chứ không phải giá trúng đấu giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm đấu giá được xem là thành công. Tiêu chí đấu giá khoáng sản còn phải tính đến năng lực của nhà đầu tư, cả năng lực tài chính và chuyên môn, cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường, hoàn trả mặt bằng...

Cho rằng mức giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn thấp, ông Sơn chỉ ra, là do căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp và bám sát giá trị thực tiễn của khoáng sản trên thị trường. Ví dụ như, theo Thông tư 05/2020/TT-BTC, quặng bouxite laterits có giá trị tối đa 390.000 đồng/tấn quặng thô (tương đương 15,47 USD/tấn), trong khi giá trên thị trường một số quốc gia tính đến tháng 12/2023 cao hơn rất nhiều (Mỹ là 48 USD/tấn, Trung Quốc là 69 USD/tấn, Đức là 50 USD/tấn, Brazil là 56 USD/tấn…). Đó là chưa kể khung giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không có sự thay đổi từ năm 2020 đến nay. Do tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định thấp như vậy, nên giá khởi điểm tại các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng bị xác định thấp, vì vậy dẫn đến giá trúng đấu giá thấp.

Do đó, để tránh thất thu ngân sách nhà nước cũng như giải quyết triệt để tình trạng "xin - cho" trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản, ông Sơn đề xuất, trừ khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ, khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh, còn lại đều phải tổ chức đấu giá.

Bên cạnh việc thu hồi các mỏ mà doanh nghiệp không khai thác trên cơ sở báo cáo từ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản cần phải chủ động hơn nữa trong việc rà soát, xác định những mỏ không được khai thác để thực hiện việc thu hồi để tổ chức đấu giá, đấu thầu nhà đầu tư.

"Nên bổ sung hình thức đấu thầu thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Hiện nay, hình thức đấu thầu thực hiện dự án về khoáng sản đang phổ biến tại các nước trên thế giới, theo đó đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các quốc gia này, hạn chế tình trạng cấp quyền khai thác khoáng sản tùy tiện, tràn lan. Việc đấu thầu thực hiện dự án về khoáng sản còn góp phần hướng đến việc chế biến sâu, xuất khẩu khoáng sản sau khi đã chế biến thành phẩm để mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với việc xuất khẩu khoáng sản thô", ông Sơn nhấn mạnh.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trên thực tế, bà Đặng Thị Ngọc Thủy - Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, các đơn vị thăm dò khoáng sản đều có nhu cầu xin cấp phép khai thác, nhưng do điều kiện khách quan (giá bán xuống thấp, không tìm kiếm được thị trường, chưa có công nghệ chế biến sâu phù hợp…) nên chưa nộp đơn xin cấp phép khai thác trong khoảng thời gian được ưu tiên (36 tháng kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả). Sau thời gian này, Dự thảo Luật cần có quy định hoặc hướng dẫn rõ ràng về trường hợp khi mất quyền ưu tiên, đơn vị thăm dò khoáng sản vẫn có nhu cầu xin cấp phép khai thác.

"Nên đấu thầu hay đấu giá khi tại thời điểm nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư có nhiều đơn vị nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư hoặc không có đơn vị nào xin chấp thuận đầu tư khai thác mỏ?", bà Thủy băn khoăn.

Không chỉ doanh nghiệp, mà theo ông Phạm Chí Dũng - Phó Giám đốc Pháp chế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các tổ chức tín dụng hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản, hiện có không ít tranh cãi về cơ sở pháp lý.

Về phía cơ quan thẩm tra Dự án Luật, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật phải bảo đảm thực hiện Nghị quyết 10-NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2022, hướng đến mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát tài nguyên, hạn chế vấn đề "xin - cho", khuyến khích chế biến khoáng sản, hạn chế xuất khẩu thô. Do đó, Luật cũng dành những điều khoản về đấu giá hoặc đấu thầu để làm sao trao quyền cho nhà đầu tư có năng lực tốt nhất.

Phản hồi về những góp ý nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cố gắng thu hẹp phạm vi khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, đưa quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản vào trong Luật. Khi tổ chức tín dụng phát mại tài sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức muốn tham gia đấu giá thì phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép hành nghề, máy móc thiết bị, năng lực tài chính…

Chuyên đề