Rắc rối thu thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng

(BĐT) - Cơ quan thuế cho rằng, vì thư tín dụng (L/C) là dịch vụ thanh toán nên yêu cầu rà soát và tính thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong khi đó, theo các ngân hàng, bản chất của L/C là cấp tín dụng nên không thuộc đối tượng chịu thuế này. Từ thực tiễn pháp lý và hoạt động triển khai thời gian qua, có ý kiến cho rằng, cần bóc tách rõ từng bước trong nghiệp vụ L/C trước khi tính chuyện có thu thuế hay không.
Theo Tổng cục Thuế, trường hợp ngân hàng có thu các khoản phí liên quan đến L/C nhưng không phải là đơn vị có nhiệm vụ bảo lãnh thanh toán cho người mua thì dịch vụ này phải áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Ảnh: Hồng Thái
Theo Tổng cục Thuế, trường hợp ngân hàng có thu các khoản phí liên quan đến L/C nhưng không phải là đơn vị có nhiệm vụ bảo lãnh thanh toán cho người mua thì dịch vụ này phải áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Ảnh: Hồng Thái

Theo Luật Thuế GTGT năm 2008, dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong khi đó, cơ quan thuế cho rằng, theo quy định hiện hành, L/C là dịch vụ thanh toán nên không thuộc đối tượng không chịu thuế. Còn theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), L/C về bản chất là cấp tín dụng.

Tại văn bản vừa gửi tới Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VNBA phản ánh việc Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1/1/2011 đến nay.

VNBA cho rằng, yêu cầu này của cơ quan thuế là không hợp lý. Bởi lẽ, theo các quy định pháp luật hiện hành về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế, L/C về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán. Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật Các tổ chức tín dụng).

Từ phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, khẳng định, cơ quan thuế không đặt vấn đề truy thu thuế GTGT với L/C mà chỉ hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát lại việc thực hiện kê khai thuế GTGT.

Ông Phụng cho biết, theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ 1/1/2011), L/C là hình thức thanh toán, chứ không phải hình thức tín dụng. Theo Luật Các tổ chức tín dụng, đó là nghiệp vụ thanh toán, hoạt động dịch vụ chứ không phải bảo lãnh và cho vay.

Trong vài năm gần đây, cơ quan chức năng kiểm toán, thanh tra đã gặp khúc mắc này khi thực hiện thanh tra, kiểm toán tại một số cơ quan thuế, ngân hàng. Từ đó đặt vấn đề ngân hàng và cơ quan thuế đã thực hiện đúng quy định về thuế GTGT đối với L/C chưa.

“Nếu đã là cho vay, đã là bảo lãnh ngân hàng thì chắc chắn không phải nộp thuế GTGT, nhưng nếu là dịch vụ thì đề nghị thực hiện khai và nộp thuế theo luật định”, ông Phụng nói.

Thực tế nhiều năm qua, cơ quan thuế đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này. Đáng chú ý là Công văn số 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 và Công văn số 4520/TCT-DNL ngày 4/10/2017 của Tổng cục Thuế.

Hai văn bản này nêu rõ nội dung, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo L/C là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp ngân hàng có thu các khoản phí liên quan đến L/C nhưng không phải là đơn vị có nhiệm vụ bảo lãnh thanh toán cho người mua thì dịch vụ này phải áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

Phân tích từ khía cạnh pháp luật và thực tế triển khai thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, dù L/C là phương thức thanh toán nhưng phải thực hiện nhiều bước trong nghiệp vụ này.

Do đó, khi quy định của pháp luật chưa phân định rõ loại hình của từng bước trong nghiệp vụ L/C là tín dụng hay phi tín dụng thì việc tính thuế GTGT cho L/C từ đầu đến cuối là không hợp lý. “Vì vậy, nếu xác định được bản chất của từng bước trong nghiệp vụ L/C để xác định bước nào chịu thuế, bước nào không, thì việc tính thuế mới thỏa đáng. Còn trong trường hợp không tách rõ được bản chất từng bước thì không nên tính thuế”, ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề