Nới lỏng tiền tệ có tạo áp lực lên lạm phát?

(BĐT) - Việc Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất tín phiếu được dự báo có thể làm tăng nguồn cung tiền, qua đó đẩy lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ tác động của động thái này với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và cả năm nay sẽ không đáng kể.
Một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019. Ảnh: Tường Lâm
Một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019. Ảnh: Tường Lâm

Những ngày gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm, từ mức 3,09% ngày 15/7 xuống còn 2,75% ngày 24/7 với kỳ hạn qua đêm. Bên cạnh đó, lãi suất tín phiếu cũng đã xuống mức 2,75%/năm với kỳ hạn 7 ngày, giảm 0,25 điểm phần trăm so với mức 3% đã duy trì từ tháng 10/2018 đến nay.

Cũng trong thời gian gần đây, một số ngân hàng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhờ đáp ứng các chỉ tiêu về vốn theo tiêu chuẩn Basel II.

Bình luận về diễn biến này, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước là đúng với định hướng “linh hoạt và chặt chẽ” đã được đưa ra từ đầu năm và phù hợp với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay. Trong nước, lạm phát nửa đầu năm nay ở mức tương đối thấp so với dự báo. Về tín dụng, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã được phân bổ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng thấp ở mức 11 - 13%, thậm chí có ngân hàng chỉ được phân bổ ở mức 6 - 7%. Trong khi đó, tổng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm nay định hướng ở mức 14%.

“Hoạt động trên thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, sức khỏe tài chính của nhiều ngân hàng cải thiện nên cần nới room cho những ngân hàng đó để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế”, ông Đức Anh phân tích.

Ở thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương đã có quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất. Điều này làm giảm áp lực giảm giá của VND so với USD.

“Bối cảnh như vậy là thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách đẩy thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay ở mức khả quan nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, do đó, việc thực hiện giải pháp để thúc đẩy là cần thiết”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến diễn biến lạm phát trong các tháng còn lại của năm, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong thời gian tới, lạm phát có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (dịch vụ y tế, học phí), tăng lương cơ sở (tăng 7,19% từ 1/7/2019). Một số diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến cung - cầu trong nước (dịch tả lợn châu Phi, thời tiết diễn biến bất thường); bất định về giá xăng dầu thế giới tác động tới điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cũng như diễn biến tỷ giá USD/VND. Doanh nghiệp có thể tiếp tục gặp khó từ việc thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu vùng. Dù vậy, khả năng đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% là khá cao. 

Tuy nhiên, CIEM cho rằng, cần quan tâm biến động của lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) từ đầu năm đến nay.

Theo đó, lạm phát cơ bản quý I năm 2019 tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn hẳn mức tăng 1,76%; 1,66% và 1,36% của cùng kỳ các năm 2016, 2017 và 2018. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn hẳn mức tăng 1,8%; 1,52% và 1,35% của cùng kỳ các năm 2016, 2017 và 2018.

Theo CIEM, việc điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay chưa gây áp lực lên mặt bằng giá, tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2016 - 2018, đòi hỏi phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

“Cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm ổn định thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, CIEM nhận định.

Chuyên đề