Số phận các khoản dư nợ ngân hàng tại HAGL

(BĐT) - Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán với rất nhiều lưu ý cũng như ý kiến ngoại trừ được đưa ra. 
Chi phí lãi vay năm 2015 của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 1.078 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí lãi vay năm 2015 của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 1.078 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Đáng chú ý nhất là nhận định “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn” do HAGL đứng trước khoản nợ vay gần 8.300 tỷ đồng tới hạn trong năm 2016, đồng thời vi phạm một số điều khoản là các tiêu chuẩn kỹ thuật của các khoản vay trái phiếu. 

Một loạt ngân hàng đối mặt “nguy hiểm”

Trong kinh doanh, khi một doanh nghiệp vay tiền, nếu ít, đó là vấn đề của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi khoản vay lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ, thì đó lại là vấn đề của ngân hàng. Số dư tín dụng lớn khiến các ngân hàng về khía cạnh nào đó, đối mặt với không ít rủi ro, đặc biệt khi doanh nghiệp được cho là “có vấn đề”. HAGL là một trường hợp như vậy.

Tính đến cuối năm 2015, Tập đoàn của bầu Đức (Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức) có số dư các khoản vay và trái phiếu gần 27.100 tỷ đồng, trong đó có 8.298 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016 này. Trong năm 2015, các ngân hàng đã rót thêm vào HAGL và các công ty con gần 9.000 tỷ đồng. Số nợ/trái phiếu bổ sung này đã đủ để khiến bất kỳ doanh nghiệp nào “hoảng hốt”.

Theo thống kê, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với hơn 10.600 tỷ đồng dư nợ vay và trái phiếu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của BIDV, vốn chủ sở hữu của nhà băng này tính đến cuối năm đạt 42.335 tỷ đồng. Như vậy, khoản tín dụng mà BIDV dành cho HAGL tương đương 25% vốn điều lệ của Ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế BIDV không chỉ rót vốn trực tiếp cho công ty mẹ HAGL, mà còn dành cho các công ty con, thậm chí công ty “cháu” của Tập đoàn này.

Các điều khoản mà HAGL không đáp ứng được, hầu hết đều liên quan đến giá trị của tài sản bảo đảm là cổ phiếu HAG và HNG (của HAGL Agrico - công ty con của HAGL) sụt giảm, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA)… Được biết, trong 6 tháng cuối năm 2015, HAGL đã bổ sung tài sản bảo đảm hơn 196 triệu cổ phiếu HAN của Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh và hơn 234 triệu cổ phiếu Thủy điện HAGL, 2 công ty con của HAGL. Hai công ty này đều chưa niêm yết, do vậy có thể giúp HAGL “đỡ” áp lực bán giải chấp khi giá trị cổ phiếu sụt giảm.
Ngoài BIDV, có tới 5 ngân hàng nội cho HAGL vay trên 1.000 tỷ đồng. Theo thứ tự bao gồm: Eximbank (3.956 tỷ đồng), VPBank (2.800 tỷ đồng), Ngân hàng Lào - Việt (2.251 tỷ đồng), HDBank (2.237 tỷ đồng) và Sacombank (1.209 tỷ đồng).

Thông tin gần đây cho biết, nhóm các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã cùng ngồi lại với nhau để lên phương án tái cơ cấu một số khoản nợ cho tập đoàn này và các công ty con. Thông tin này cũng đã được phía HAGL xác nhận.

Câu chuyện nợ nần của HAGL, đến nay không còn của riêng tập đoàn này nữa. Với quy mô nợ khổng lồ, HAGL đang đặt các ngân hàng vào hoàn cảnh tương đối ngặt nghèo. Việc các nhà băng vẫn tiếp tục rót thêm tiền vào cho HAGL chứng tỏ niềm tin vào hoạt động của HAGL sẽ được cải thiện, như phát biểu của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng các ngân hàng không còn cách nào khác, rót tiền vào với hy vọng HAGL có thể vực dậy kết quả kinh doanh, qua đó tăng cơ hội thu hồi nợ vay.

Hiện tại một loạt tài sản đã được HAGL dùng làm tài sản bảo đảm cho các món nợ vay cũng như trái phiếu nghìn tỷ, bao gồm đàn bò, tài sản cổ phiếu, học viện bóng đá, bệnh viện…

Lỡ hẹn nhiều kế hoạch

Công bằng mà nói, việc kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải giải thể, hay phá sản. Đó chỉ là một dấu hiệu mang tính kỹ thuật của tình trạng bất ổn, khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Với HAGL, kết quả kinh doanh bi đát năm 2015, chỉ đạt hơn 600 tỷ đồng, chưa bằng một nửa kết quả năm trước đó, đến phần lớn từ gánh nặng nợ nần khi chi phí lãi vay của Tập đoàn lên tới 1.078 tỷ đồng, tăng 78,5% so với năm 2014 và ngốn 58,14% lợi nhuận gộp thu được. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.100 tỷ đồng được ĐHCĐ giao phó, kết quả của HAGL mới chỉ đạt 38,4%.

Trả lời báo chí, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết khó khăn của HAGL chủ yếu đến từ lĩnh vực cao su. Giá cao su thế giới lao dốc thời gian qua là bằng chứng khá rõ nét cho nhận định này.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, tỷ suất lợi nhuận (biên lãi gộp) của các mảng hoạt động còn lại của HAGL cũng đã giảm sút rõ rệt trong năm vừa qua, ngay cả mảng kinh doanh mía đường và bò thịt. Tình huống HAGL phải đối mặt hiện nay là bài học cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng kinh doanh ồ ạt trong lĩnh vực nông nghiệp, bất chấp tính chu kỳ của hàng hóa, nông sản.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư