Ngân hàng nào là chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai?

(BĐT) - Cuối tuần vừa qua, thông tin Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã bán giải chấp cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) thuộc sở hữu của công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai thu hút sự chú ý của đông đảo giới tài chính.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngoài ACB, còn ngân hàng nào đang mắc kẹt với các khoản nợ tại HAGL và việc bán giải chấp phải chăng mới chỉ bắt đầu? 

Vay nợ 27.100 tỷ đồng vào cuối năm 2015

Theo báo cáo bán niên hợp nhất soát xét, tại thời điểm 30/6/2015, số dư nợ vay của HAGL tổng cộng là 21.438 tỷ đồng, tương đương một nửa giá trị tổng tài sản của công ty tại cùng thời điểm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7.906 tỷ đồng, dài hạn là 13.531 tỷ đồng. Về phân loại các khoản vay, có hơn 11.500 tỷ đồng là các khoản vay trái phiếu, còn lại là các khoản vay ngắn và dài hạn tại ngân hàng.

Công ty vừa công bố báo cáo hợp nhất quý 4 năm 2015. Theo số liệu mới nhất này, nợ vay ngắn và dài hạn của HAGL đã lên tới gần 27.100 tỷ đồng, tương đương 55,8% giá trị tổng tài sản cuối năm 2015.

Ở thời điểm cuối năm 2015, chưa có con số cụ thể về dư nợ cho vay của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo thống kê của Báo Đấu thầu căn cứ báo cáo bán niên hợp nhất soát xét 2015, có nhiều ngân hàng tham gia cho HAGL vay như: BIDV, Eximbank, Sacombank, VP Bank, ACB và Ngân hàng liên doanh Việt - Lào. 

Đòn bẩy tài chính thực sự của Hoàng Anh Gia Lai

Theo tính toán, chỉ số Nợ/vốn chủ sở hữu của HAGL giữa năm 2015 đạt 1,67 lần. Hầu hết các khoản nợ phải trả của HAGL là các khoản nợ vay. Tính đến cuối năm 2015, chỉ số này đạt 2 lần. Chi phí lãi vay cả năm 2015 của HAGL lên tới 1.151 tỷ đồng, bằng 1,7 lần con số năm 2014. Đó cũng là một trong những nguyên nhân kết quả kinh doanh hợp nhất 2015 của Tập đoàn này giảm sút rõ rệt.

Các khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai như đã nói ở trên, có tài sản đảm bảo là các dự án, công trình, quyền thuê đất… của công ty (công ty mẹ và các công ty con). Tuy nhiên, đáng chú ý là có tới gần 172 triệu cổ phiếu HAG do cá nhân “bầu” Đức nắm giữ, cùng với 316 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAGL cũng được đưa ra làm tài sản bảo đảm cho một số khoản vay của HAGL (và công ty con).

Cổ phiếu là một giấy tờ có giá, đại diện cho giá trị doanh nghiệp, cụ thể là đại diện cho giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Giá trị cổ phiếu HAG, HNG vì vậy đã chứa đựng giá trị của các dự án nuôi bò, cao su, bất động sản, công trình tài sản... Chính vì vậy, việc lấy cổ phiếu và tài sản của doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm, vô hình trung đã tăng rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng, và cho cả HAGL.

Cổ phiếu HAG và HNG đã “dắt tay nhau” lao dốc trong 1 năm vừa qua. Áp lực bổ sung tài sản bảo đảm, thậm chí bán giải chấp đối với HAGL vì vậy ngày càng căng thẳng.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, một khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn, các chủ nợ lớn của doanh nghiệp đó lại lo lắng hơn cả. Nhiều khi các ngân hàng phải tiếp tục mạo hiểm rót tín dụng vào để vực dậy doanh nghiệp đó, cũng là tạo cơ hội để thu hồi các khoản vay trong quá khứ.

Mặc dù đòn bẩy tài chính cao, trong năm 2015, nợ vay ngắn và dài hạn của HAGL đã tăng gần 9.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các ngân hàng vẫn chưa ngừng việc rót vốn vào cho ông lớn HAGL trong năm vừa qua.

HAGL báo lỗ 588 tỷ đồng trong quý 4/2015

Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2015. Theo đó, trong riêng quý 4 công ty bất ngờ báo lỗ 588 tỷ đổng. Lũy kế cả năm, HAGL lãi sau thuế 678 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 1.456 tỷ đồng năm 2014.

Được hỗ trợ bởi doanh thu bán bò (lên tới 2.542 tỷ đồng năm 2015), biên lợi nhuận gộp của HAGL năm 2015 vẫn giảm sâu xuống còn 31,6% từ mức 40,2% năm 2014. Ngoài ra, chi phí tài chính (đặc biệt là chi phí lãi vay) tăng vọt từ mức 734 tỷ đồng lên 1.303 tỷ đồng cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của HAGL giảm sâu. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư