Số nữ tỷ phú châu Á tăng nhanh chưa từng có

Đến hết năm 2014, châu Á có 25 nữ tỷ phú, trong khi đó con số này vào năm 2005 mới chỉ là 3...

Bà Zhou Qunfei, một trong những người giàu nhất Trung Quốc - Ảnh: Economic Times
Bà Zhou Qunfei, một trong những người giàu nhất Trung Quốc - Ảnh: Economic Times

Số lượng nữ tỷ phú tại châu Á đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, theo một báo cáo về tài sản mới nhất do ngân hàng UBS và công ty kiểm toán quốc tế PwC công bố, được Financial Times trích đăng.
Cụ thể UBS/PwC tính toán rằng đến hết năm 2014, châu Á có 25 nữ tỷ phú, trong khi đó con số này vào năm 2005 mới chỉ là 3. Hơn một nửa trong số đó là tỷ phú thế hệ thứ nhất.

Số lượng các công ty gia đình do phụ nữ quản lý tại châu Á tăng nhanh hơn so với Mỹ hay châu Âu. Ngoài ra, khoảng 96% phụ nữ siêu giàu tại châu Á vẫn đang tiếp tục tạo ra tài sản trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ và châu Âu lần lượt ở mức 57% và 63%.

Ở thời điểm cuối năm 2014, thế giới có tất cả 145 nữ tỷ phú.

Kết quả của nghiên cứu trên được thực hiện sau khi UBS/PwC tiến hành khảo sát với khoảng 1.300 tỷ phú và tính toán dựa trên số liệu đã được thu nhập suốt 19 năm qua.

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu, khủng hoảng tài chính đã khiến tài sản của nhiều tỷ phú nói chung bị hao hụt đáng kể. Ở thời điểm năm 1995, thế giới có 289 tỷ phú thì đến hiện nay, trong số này chỉ còn 126 người giữ được ngôi vị. Từ thời điểm đó đến nay đã có 66 tỷ phú qua đời. Tài sản của 73 tỷ phú đã biến mất phần nào bởi những yếu tố kinh doanh bất lợi và nhiều nguyên nhân không thể thống kê. 24 tỷ phú khác không thể giữ được tài sản bởi những tranh chấp trong gia đình.

“Kết quả của báo cáo khiến chúng ta nhớ lại câu ngạn ngữ đại ý là thế hệ thứ nhất xây đắp, thế hệ thứ hai làm nên thành công và thế hệ thứ ba bắt đầu phá hỏng nó”, theo nhận xét của ông Michael Spellacy, trưởng bộ phận nghiên cứu về tài sản tại ngân hàng UBS.

Lý do của tình trạng trên, cũng theo ông Spellacy, chính là bởi thế hệ thứ hai thường có xu thế không đánh giá đúng mức về giá trị số tài sản mà họ đang được hưởng.

Để giảm thiểu được tình trạng này, ông Spellacy cho rằng các công ty gia đình của tỷ phú thế hệ sau nên có thêm sự tham gia của các thành viên bên ngoài, để các quyết định kinh doanh được khách quan hơn.

126 tỷ phú vẫn còn giữ được tài sản của mình thì ngày một giàu có hơn nữa. Từ năm 1995 đến nay, họ đã tạo ra thêm được khoảng 1 nghìn tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ và dịch vụ tài chính.

Tỷ phú công nghệ thường giàu lâu bền nhất, theo khẳng định của báo cáo.

“Tiền chỉ là một phương tiện duy trì cuộc sống, thời gian qua đi, di sản mà người giàu để lại mới tạo ra sự khác biệt. Nếu những người giàu đó đầu tư tiền vào chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo thì họ mới có thể coi là đã để lại cái gì đó cho cuộc đời. Việc họ làm được gì cho cuộc sống sau khi họ giàu có thì quan trọng hơn việc họ có bao nhiêu tiền”, đó là khẳng định của ông Sebastian Dovey, nhà đồng sáng lập quỹ Scorpio Partnership.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư