Sản xuất xanh để tăng sức cạnh tranh của DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần nhất là phải tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên để tận dụng được các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên và tiếp cận được thị trường thế giới, các doanh nghiệp không có con đường khác ngoài việc phải nỗ lực chuyển hướng sang sản xuất xanh…
Để phát triển, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất, tiết kiệm năng lượng, xử lý tốt tái chế chất thải... Ảnh: Lê Tiên
Để phát triển, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất, tiết kiệm năng lượng, xử lý tốt tái chế chất thải... Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế quý I

Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” cuối tuần qua, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong nhiều điểm sáng của nền kinh tế quý I/2024, như vốn FDI mới tăng, xuất khẩu tăng, đầu tư công tăng… thì đầu tư tư nhân tăng yếu hơn. Khu vực tư nhân vẫn cho thấy nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề, chưa trở thành một kênh huy động vốn chủ động, hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường bất động sản còn ách tắc. Đây là 2 thị trường rất cần được khơi thông, bên cạnh việc quan trọng không kém là kích thích tổng cầu.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM thì nhận định, có nhiều điểm tích cực trong bức tranh kinh tế quý đầu năm 2024. Trong đó đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu cao hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy, năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới có nhiều khó khăn, bất định.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Minh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các bon, làm ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng Việt Nam xuất khẩu nếu không có những điều chỉnh kịp thời. “Những trao đổi của chúng tôi với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây cho thấy không ít lo ngại về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM), hay quy định chống phá rừng (EUDR)”, bà Minh chia sẻ.

Tiếp đó là một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng giá. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I/2024 tăng tới 29,3% so với quý IV/2023 và tăng 85,44% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I/2024 tăng 28,27% so với quý IV/2023. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành du lịch, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh.

Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp cũng có thể làm tăng chi phí lao động. Trong khi đó, dù đã triển khai nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng. Đối với không ít doanh nghiệp mới có đơn hàng xuất khẩu trở lại sau một thời gian bị ngắt quãng, tăng lương tối thiểu vùng có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả doanh nghiệp…

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn yêu cầu ở các nhà cung cấp. Ảnh: Tiên Giang

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn yêu cầu ở các nhà cung cấp. Ảnh: Tiên Giang

Thúc doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Theo Viện trưởng CIEM, trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới… Đầu năm 2024, Chính phủ đã khôi phục lại Nghị quyết 02 sau 1 năm gián đoạn. Qua theo dõi có thể nhận thấy, Nghị quyết 02 tiếp tục tạo ra sức ép tích cực với địa phương có kế hoạch, chương trình hành động xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo ra diễn đàn cho doanh nghiệp tham vấn, hiến kế cho Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 1 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách). Việt Nam cũng cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế lưu ý, nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc xanh hóa sản xuất không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là “mệnh lệnh từ thị trường”. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải. Điều này không chỉ cần tự thân doanh nghiệp, mà còn cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Để tiếp cận được thị trường thế giới, mấu chốt là phải tăng cường năng lực doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Cũng theo ông Cường, để “vươn ra biển lớn”, cần có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Muốn hợp tác thì phải bỏ đi những tư duy cạnh tranh theo kiểu triệt tiêu lẫn nhau. Nếu liên kết với nhau thì sẽ không mất phần nguồn lực bỏ ra để cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tăng liên kết với khu vực nước ngoài thông qua việc có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đồng hành với doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy mới có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển bền vững…

Chuyên đề