“Sân chơi” trái phiếu doanh nghiệp: Tính chuyện mở cửa cho nhà đầu tư không chuyên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoãn hay giữ như cũ quy định về xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp là một trong những nội dung còn các ý kiến trái chiều tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (Dự thảo) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Bộ Tài chính đề xuất giãn 1 năm đối với việc thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Bộ Tài chính đề xuất giãn 1 năm đối với việc thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Trước các ý kiến trái chiều, Bộ Tài chính vẫn quyết định đưa vào Dự thảo nội dung: “Hoãn thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này”.

Tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận. Một số ý kiến cho rằng, quy định này siết chặt phạm vi của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), gây khó khăn cho thanh khoản trên thị trường trong thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, việc hoãn thực hiện quy định này để thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Trong thời gian qua, các vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường đã giúp nhà đầu tư đánh giá được tốt hơn chất lượng các sản phẩm tài chính, nên sẽ hạn chế việc nhà đầu tư vì ham lãi suất cao mà không quan tâm đến rủi ro, đầu tư vào TPDN.

Về phía nhà quản lý, Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý giám sát thông qua Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN (tổ chức tư vấn hồ sơ, phân phối, lưu ký trái phiếu) để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân.

Góp ý cho việc sửa Nghị định, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, chủ trương sửa Nghị định 65 là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cần giữ phạm vi tương đối rộng về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong thời gian tới thay vì chỉ hoãn thực hiện 1 năm.

Theo ông Đức, đối tượng của TPDN phát hành riêng lẻ là hướng tới những nhà đầu tư vốn mỏng hơn và chấp nhận rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng. Việc giảm mạnh số lượng nhà đầu tư này sẽ làm giảm tính thanh khoản trên thị trường.

Trong khi đó, bản chất sự suy giảm trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ thời gian qua là do tình trạng vi phạm quy định về chào bán của các doanh nghiệp và nhân viên tư vấn phát hành. Do đó, để khắc phục điều này, trước hết cần yêu cầu cao hơn về việc công khai thông tin của doanh nghiệp phát hành, đồng thời, phải chú trọng trách nhiệm của các cơ quan giám sát việc công khai thông tin.

Bên cạnh đó, cần có chế tài thật mạnh và thực hiện nghiêm với trường hợp tư vấn sai lệch. Cơ quan chức năng cần thể hiện đúng và đủ vai trò giám sát…, nếu phát hiện sai phạm, cần xử phạt nghiêm. Điều này sẽ vừa có tác dụng răn đe với các tư vấn phát hành thiếu đạo đức, vừa có tính cảnh tỉnh với những nhà đầu tư.

“Nên để thị trường hoạt động và phát triển theo đúng quy luật. Kể cả các thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Mỹ… vẫn có tình trạng ‘lừa đảo’ nhà đầu tư. Do đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng tính minh bạch và giám sát đủ chặt, can thiệp cần thiết bằng chế tài mạnh, nghiêm minh với các gian lận trên thị trường”, ông Đức nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings, việc mở rộng đối tượng được mua TPDN đến đại đa số nhà đầu tư ở Việt Nam là cần thiết để huy động nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, các giải pháp nên hướng đến sự khai thông của kênh chào bán trái phiếu rộng rãi ra công chúng, còn kênh phát hành riêng lẻ nên hướng đến như thiết kế hiện nay của Nghị định 65.

“Phần lớn TPDN chào bán riêng lẻ đến nhà đầu tư cá nhân đều thông qua ngân hàng và công ty chứng khoán. Cần có chuẩn mực hoặc cẩm nang hướng dẫn ở tất cả các giai đoạn chính trong chu kỳ vòng đời của TPDN và áp dụng thành thông lệ chung của thị trường, không chỉ dựa trên yêu cầu tối thiểu từ các quy định của cơ quan quản lý. Việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ tư vấn sản phẩm cũng cần được cân nhắc nghiêm túc, đặc biệt sau những sự cố liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh”, ông Thuân nhấn mạnh.

Chuyên đề