PwC: Doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam tỏ ra thận trọng trên hành trình ESG

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại báo cáo mới nhất với tiêu đề: "Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam: Mức độ cam kết ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và thực hành Báo cáo phát triển bền vững", PwC nhận xét, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang thể hiện mức độ cam kết cao, tuy nhiên lại tỏ ra thận trọng triển khai ESG.

Theo Báo cáo Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 44%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2 - 4 năm tới.

Thực trạng cam kết ESG của các doanh nghiệp Việt Nam

Thực trạng cam kết ESG của các doanh nghiệp Việt Nam

Báo cáo của PwC nhận xét, doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cho thấy tình trạng thiếu lãnh đạo cấp cao tham gia với vai trò tập trung thúc đẩy cam kết ESG. Khoảng 64% doanh nghiệp cho biết thiếu sự tham gia tích cực và quản trị minh bạch của hội đồng quản trị đối với chương trình nghị sự ESG. Bên cạnh đó, 44% cho biết tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG để giúp dẫn dắt và thực hiện các sáng kiến ESG.

"Điều này trở thành một thách thức lớn khi hội đồng quản trị (HĐQT) đóng vai trò nòng cốt trong việc giám sát các yếu tố ESG và tích hợp tính bền vững vào các chiến lược ra quyết định và tăng trưởng dài hạn, nhằm đảm bảo phân bổ và ưu tiên các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện ESG", báo cáo của PwC nhận định.

So với Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thể hiện tốt hơn đáng kể trong việc công bố vấn đề quản trị cấp cao và trách nhiệm của họ đối với các vấn đề ESG.

Thực trạng quản trị trong báo cáo phát triển bền vững của các DNNY Việt Nam

Thực trạng quản trị trong báo cáo phát triển bền vững của các DNNY Việt Nam

Trong số các công ty được khảo sát tại Việt Nam, 46% công bố trách nhiệm của HĐQT liên quan đến tính bền vững, 44% công bố cơ cấu quản trị bền vững và chỉ 8% công bố số lượng thành viên HĐQT hoặc nhân sự quản lý đã qua đào tạo về phát triển bền vững. Các tỷ lệ phần trăm này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - lần lượt là 84%, 79% và 36%.

Đáng chú ý hơn, không có doanh nghiệp niêm yết nào ở Việt Nam tiết lộ mối liên hệ giữa thù lao của các giám đốc điều hành cấp cao và hiệu quả công việc của họ trong việc quản trị bền vững. Bên cạnh đó, việc thiết lập mục tiêu là cần thiết để các công ty theo dõi tiến trình của họ trong việc đáp ứng các yếu tố ESG và điều chỉnh chiến lược của họ để thực hiện hành động khắc phục khi cần thiết.

Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết được nghiên cứu ở Việt Nam đều công bố mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%). Tuy vậy, 48% doanh nghiệp tiết lộ các mục tiêu dài hạn, tức là trên 5 năm và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu NetZero. Trong khi đó, số liệu về các doanh nghiệp niêm yết công bố mục tiêu ESG ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tương tự nhau - trung bình khoảng 76%.

Việc công bố thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu cũng ngày càng trở thành một phần quan trọng trong báo cáo phát triển bền vững, cũng như công tác giải quyết các rủi ro chuyển đổi và các rủi ro vật chất liên quan đến khí hậu. Từ năm 2021 - 2022, Việt Nam là nước có sự cải thiện đáng kể nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc xác định các rủi ro/cơ hội liên quan đến khí hậu, từ 40% lên 78%.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại cách biệt giữa các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trung bình ở mức 88%). Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về khí hậu của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Chuyên đề