Phòng, chống sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long: Dự án cấp bách, sao ì ạch giải ngân?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đánh giá của Bộ Tài chính, có 7 trên tổng số 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở (thời hạn 31/12/2024).
Bộ Tài chính đánh giá nhóm 7 địa phương giải ngân thấp khó có khả năng hoàn thành kế hoạch theo thời hạn được giao. Ảnh: Tiên Giang
Bộ Tài chính đánh giá nhóm 7 địa phương giải ngân thấp khó có khả năng hoàn thành kế hoạch theo thời hạn được giao. Ảnh: Tiên Giang

Thậm chí, một số dự án đến hết tháng 7 mới giải ngân chưa đến 2% lượng vốn được phân bổ. Tình trạng chậm giải ngân tại các dự án phòng, chống sạt lở khi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến khó lường đang đặt ra nhiều lo ngại.

Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 đã bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện 21 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương được phân bổ nguồn vốn này gồm: Long An 250 tỷ đồng (2 dự án), Tiền Giang 200 tỷ đồng (1 dự án), Bến Tre 300 tỷ đồng (2 dự án), Trà Vinh 200 tỷ đồng (2 dự án), Vĩnh Long 500 tỷ đồng (1 dự án), Cần Thơ 250 tỷ đồng (1 dự án), Hậu Giang 200 tỷ đồng (2 dự án), Sóc Trăng 300 tỷ đồng (1 dự án), An Giang 250 tỷ đồng (2 dự án), Đồng Tháp 250 tỷ đồng (1 dự án), Kiên Giang 500 tỷ đồng (2 dự án), Bạc Liêu 300 tỷ đồng (1 dự án), Cà Mau 500 tỷ đồng (3 dự án). Chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải hoàn thành việc giải ngân.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/7/2024, các địa phương đã giải ngân được 1.397,75 tỷ đồng, tương ứng 34,94% kế hoạch. Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân trên 50% gồm: Trà Vinh (78,67%), Bến Tre (68,75%), Đồng Tháp (67,85%), Hậu Giang (52,4%). Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: An Giang (0,97%), Bạc Liêu (3,44%), Sóc Trăng (21,06%), Cà Mau (25,53%), Vĩnh Long (29%), Long An (29,42%), Kiên Giang (30,86%). Bộ Tài chính đánh giá, nhóm 7 địa phương giải ngân thấp khó có khả năng hoàn thành kế hoạch theo thời hạn được giao. Tính chung, lượng vốn cần giải ngân còn khoảng 2.602,25 tỷ đồng, các dự án sử dụng nguồn vốn này đang chịu áp lực rất lớn.

Tỉnh An Giang có 2 dự án gồm: Tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong và Kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới với số vốn bổ sung từ nguồn này là 250 tỷ đồng, đã giải ngân 2,44 tỷ đồng tính đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân lần lượt là 0,21% và 1,68%. Được biết, UBND tỉnh An Giang đã có các quyết định phân bổ nguồn vốn cho 2 dự án này từ ngày 20/10/2023, nhưng tiến độ triển khai quá chậm.

Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: Hai dự án này được Tỉnh giao cho thị xã Tân Châu và huyện An Phú làm chủ đầu tư. Các dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Sở đang làm việc với các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Tại 3 địa phương Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, khu vực chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và diễn biến sạt lở phức tạp, tiến độ các dự án có chuyển động tích cực hơn nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.

Tại Kiên Giang, tính tới 31/7/2024, Dự án Đầu tư xử lý sạt lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần thuộc các huyện An Biên, An Minh (mức vốn bổ sung 250 tỷ đồng) giải ngân được 77,12 tỷ đồng, đạt 30,85% kế hoạch; Dự án Đầu tư xử lý sạt lở bờ biển huyện Hòn Đất (mức vốn bổ sung 250 tỷ đồng) giải ngân được 77,18 tỷ đồng, đạt 30,87% kế hoạch.

Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để thực hiện dự án phòng, chống sạt lở gồm: An Giang (0,97%), Bạc Liêu (3,44%), Sóc Trăng (21,06%), Cà Mau (25,53%), Vĩnh Long (29%), Long An (29,42%), Kiên Giang (30,86%).

Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư) cho biết, vì tính chất 2 dự án là kè biển, cấp thiết nên ngay khi lựa chọn xong nhà thầu, Ban đã đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực, thiết bị tổ chức thi công đồng loạt nhiều mũi đúng theo phương án các nhà thầu đề xuất, tăng tốc cho mục tiêu giải ngân cao nhất. Tuy nhiên, thời gian còn lại không nhiều, khối lượng thi công còn lớn nên rất áp lực.

Tại Cà Mau, có 3 dự án phòng, chống sạt lở được phân bổ tổng cộng 500 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7/2024, Dự án Kè chống xói lở cửa biển Hốc Năng, huyện Ngọc Hiển (mức vốn bổ sung 170 tỷ đồng) giải ngân được 39,68 tỷ đồng, đạt 23,34% kế hoạch. Dự án Kè chống xói lở bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, huyện Ngọc Hiển (mức vốn bổ sung 250 tỷ đồng) giải ngân được 62,53 tỷ đồng, đạt 25,01% kế hoạch. Dự án Kè cửa biển tại ấp Lưu Thanh Hoa, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (mức vốn bổ sung 80 tỷ đồng) giải ngân được 25,42 tỷ đồng, đạt 31,78% kế hoạch. Tính chung 3 dự án giải ngân được 127,63 tỷ đồng, đạt 25,53% kế hoạch. Số vốn cần phải giải ngân đến cuối năm khoảng 372,37 tỷ đồng.

Tỉnh Bạc Liêu có 1 dự án sử dụng nguồn vốn trên là Dự án Đầu tư xây dựng kè Nhà Mát đoạn từ cầu Nhà Mát đến cống Nhà Mát, giai đoạn 1 (mức vốn bổ sung 300 tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 7, Dự án này mới giải ngân được 10,33 tỷ đồng, đạt 3,44% kế hoạch. So với số liệu báo cáo kỳ trước (ngày 18/6/2024) của Bộ Tài chính (giải ngân 7,3 tỷ đồng, đạt 2,43%) thì tiến độ Dự án không có tiến triển đáng kể.

Dự án phòng, chống sạt lở tại ĐBSCL có đặc thù là gấp rút, cấp bách, từ khi được phân bổ vốn đến khi hoàn thành giải ngân chỉ khoảng 1 năm 2 tháng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự tập trung cao độ của các chủ đầu tư, nhà thầu. Trong giai đoạn nước rút (4 tháng cuối năm), tiến độ xây dựng các dự án cần tăng tốc, quyết tâm vượt qua khó khăn của bối cảnh thi công.

Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn trên, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án và giải ngân vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư