Phát triển doanh nghiệp để tăng nội lực cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, Dự thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến nhấn mạnh mục tiêu tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhằm tăng cường nội lực của nền kinh tế.
Dự thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên

Chưa giải phóng được nguồn lực rất lớn từ khu vực tư nhân

Theo Dự thảo Đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển DN. Đến nay, nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực thúc đẩy kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số đã được ban hành. Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư từ đó thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.

Cụ thể, DN thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức kỷ lục, mỗi năm tăng khoảng 130.000 DN. Đến nay, cả nước có khoảng 800.000 DN cùng với đó là khoảng 5 triệu hộ kinh doanh đang có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã xuất hiện và đang hướng tới kinh doanh đa ngành nghề, lấy công nghiệp, công nghệ và phát triển dịch vụ chất lượng cao làm trọng tâm.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân chưa đạt được kết quả như mong muốn. Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng DN, đặc biệt là DN tư nhân chưa được tạo điều kiện để phát triển lớn mạnh hơn. Những bất cập thể chế về đất đai, quyền tài sản... vẫn chậm được giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng DN/tổng dân số của Việt Nam vẫn ít so với thế giới. Về kết quả cơ cấu lại DNNN, đến nay số lượng DNNN của Việt Nam còn không nhiều nhưng vẫn nắm giữ nguồn lực lớn, song hiệu quả hoạt động chưa đạt được kỳ vọng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, Việt Nam xuất khẩu nhiều, song 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. “DN Việt Nam vẫn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thiếu những DN vừa và lớn mang tính chất dẫn dắt, lan tỏa”, ông Thành nhận xét.

Tại một cuộc họp do Bộ KH&ĐT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vẫn còn nhiều rào cản, điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, khơi thông nên chưa giải phóng được nguồn lực rất lớn từ khu vực tư nhân.

Tập trung phát triển lực lượng DN

Dự thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ mục tiêu nâng cao nội lực của nền kinh tế và của DN Việt Nam trên cơ sở tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế và khu vực, phát huy vai trò của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, phát triển mạnh thị trường nội địa.

Theo hướng này, trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực DNNN; phát triển lực lượng DN tư nhân cùng với phát huy vai trò của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài trong cơ cấu lại nền kinh tế.

Cụ thể, với khu vực DNNN, Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, năng suất lao động của DNNN cao hơn mức bình quân của toàn bộ các DN có đăng ký ở Việt Nam; xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; ít nhất có 1 đến 3 DNNN niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới…

Với DN tư nhân, sẽ tập trung phát triển lực lượng DN lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu. Về số lượng, đến năm 2025, khu vực này sẽ có khoảng 1,5 triệu DN; khoảng 40% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo; 50% số DN có có đổi mới công nghệ, thiết bị… Cùng với đó, phát huy vai trò của DN FDI trong nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Để đạt mục tiêu, hàng loạt giải pháp đã được đề xuất như: quy định rõ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo thông lệ quốc tế về quản trị DNNN; thay đổi căn bản và nâng cao hiệu quả thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; xây dựng đề án khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành dịch vụ công thông qua phương thức đối tác công tư, xã hội hóa…

Chuyên đề