Tạo “sân chơi” bình đẳng cho doanh nghiệp bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) muốn được tự chủ như DN tư nhân, nhưng vẫn được ưu tiên trong phát triển. Trong khi đó, có những DN tư nhân thì “muốn nhưng không lớn được”, hoặc “sợ lớn” và mong được “ưu ái” như DNNN. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải thiết kế chính sách thế nào để vừa tạo “sân chơi” bình đẳng, vừa thúc đẩy cạnh tranh cho DN phát triển trong bối cảnh mới?
Cần có các chính sách để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đưa đất nước bứt phá. Ảnh: Lê Tiên
Cần có các chính sách để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đưa đất nước bứt phá. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội lớn, nhưng rào cản không nhỏ

Theo các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế, DN Việt Nam đang đứng trước những “cơ hội vàng” nhờ cuộc cách mạng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, không gian thị trường liên tục được rộng mở… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là sức cạnh tranh của DN, kể cả DNNN cũng như khu vực tư nhân còn rất hạn chế.

Theo số liệu của Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện Việt Nam có hơn 75 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước hoạt động theo mô hình mẹ - con. Số DN này mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng gần 20% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) nhưng lại chiếm phần lớn trong tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối DNNN trên phạm vi cả nước (chiếm 92% tổng tài sản và 91% vốn chủ sở hữu). Thế nhưng, tại một sự kiện mới đây, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng, “tấm áo chật” cơ chế đã, đang ràng buộc, tạo rào cản cho DNNN.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, Luật DN quy định pháp nhân DNNN có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như DN thuộc các thành phần kinh tế có cùng hình thức tổ chức, trước hết là quyền tự chủ kinh doanh, tự do hợp đồng, sở hữu, sử dụng, định đoạt tài sản... Tuy nhiên, thể chế và cơ chế quản lý trên thực tế chưa tạo cho DNNN có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước bên ngoài còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của DNNN.

Còn ở phía DN tư nhân, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, chất lượng phát triển của khu vực này còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điển hình là năng suất và tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân còn thấp; năng lực khoa học công nghệ hạn chế; trình độ quản trị chưa cao; tính liên kết, hợp tác còn yếu…

Quan sát sự phát triển DNTN, PGS. TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển chỉ ra, có hiện tượng số lượng DNNVV ngày càng tăng nhưng quy mô các DN vẫn mãi nhỏ.

Đâu là giải pháp?

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã tổ chức 2 hội thảo để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo 2 đề án kinh tế quan trọng về phát triển DN. Đó là Dự thảo Đề án Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng thời kỳ mới và Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Tại 2 dự thảo này, Bộ KH&ĐT đã đề xuất thiết kế các chính sách để tiếp tục kiến tạo “sân chơi” thuận lợi, bình đẳng hơn cho DN, từ đó thúc đẩy DN phát triển, đưa đất nước bứt phá. Theo đó, sẽ đẩy mạnh thoái vốn DNNN ở những lĩnh vực, ngành nghề mà DN tư nhân có thể thực hiện để dồn lực vào những vấn đề lớn, vấn đề khó và vấn đề mới. Trên cơ sở đó, DNNN sẽ trở thành “chim đầu đàn” mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển trong bối cảnh mới.

Với định hướng này, Dự thảo Đề án đề xuất nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các DN khác.

Cụ thể là sẽ xem xét sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm tạo sự chủ động cho DNNN. Theo đó, Nhà nước quản lý theo mục tiêu là giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho DN; nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN và cho phép DN tự quyết định…

Bên cạnh đó, để không còn tình trạng “DNTN sợ lớn” hoặc “muốn lớn nhưng không lớn được”, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, tại Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước. Việc đổi mới này theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Chuyên đề