Phát triển điện gió ngoài khơi: Sớm gỡ rào cản để thu hút nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo định hướng phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 trong Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) vừa được được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ có 7GW điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu này, vẫn còn một số rào cản cần nhanh chóng tháo gỡ.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7GW điện gió ngoài khơi. Ảnh: Văn Cường
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7GW điện gió ngoài khơi. Ảnh: Văn Cường

Tại Hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng tới mục tiêu của Quy hoạch VIII và cam kết net Zero vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi được dự kiến quy hoạch phát triển 7GW đến năm 2030; 16GW vào năm 2035 và hơn 36GW vào năm 2045. Tuy nhiên, để có được 7GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 thực sự là thách thức rất lớn.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng, theo quy hoạch, chỉ còn khoảng 8 năm để hoàn thành mục tiêu 7GW, trong khi một dự án điện gió ngoài khơi đi vào vận hành cũng phải mất từ 5 - 8 năm (tùy quy mô dự án).

Từ góc độ cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện Năng lượng cho biết, quy trình, thủ tục đầu tư điện gió ngoài khơi còn phức tạp, có sự chồng chéo về quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương đối với vùng biển, dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, có hiện tượng một số dự án đầu tư điện gió ngoài khơi được đề xuất theo kiểu “xếp gạch” với việc 1 nhà đầu tư đăng ký hết cả 1 tỉnh, như vậy gần như hết cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy hoạch hệ thống cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân; chưa xác định được rõ nét dự án điện gió ngoài khơi nào sẽ được cấp chủ trương đầu tư, dẫn tới sự bị động trong đầu tư nâng cấp lưới điện đồng bộ với dự án...

Thừa nhận có thách thức trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, song ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong điện Thuận Bình lại không quá lo ngại. Ông Thịnh chia sẻ: “Năm 2008, chúng tôi là những đơn vị đầu tiên tham gia phát triển dự án điện gió. Ở thời điểm đó, quy hoạch, chính sách chưa có, nhưng sau đó cơ chế chính sách cho phát triển điện gió và điện mặt trời đã được ban hành. Đến nay, thị trường điện tái tạo của Việt Nam đã phát triển khá sôi động. Mục tiêu có 7GW điện gió ngoài khơi vẫn có thể đạt được”.

Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu, ông Thịnh cũng như các chuyên gia cho rằng, các cơ quan liên quan cần bắt tay ngay vào thực hiện chuẩn bị với việc sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, giải quyết điểm nghẽn về lưới truyền tải…

Về cơ chế phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, ông Mark Hutchinson, đại diện Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu nhấn mạnh: “Việc áp dụng cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi là cần thiết, nhưng trước khi thực sự chuyển sang cơ chế này thì Việt Nam cần có thời gian chuyển đổi để tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng năng lực, nhà đầu tư tự tin đầu tư các dự án”.

Đối với hợp đồng mua bán điện, ông Hutchinson cho rằng còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết mới thu hút được các nhà đầu tư, ngân hàng quốc tế tham gia.

Đồng tình với quan điểm cần có cơ chế chuyển tiếp trước khi thực hiện cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, cần có cơ chế chuyển tiếp về lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ở giai đoạn đầu thông qua những tiêu chí rõ ràng về mặt kỹ thuật, tài chính để chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Lê Thị Phương Nhi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Simens Gamesa Renewable Energy cho biết, vẫn có những quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi thành công bằng việc áp dụng luôn cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quốc gia điển hình đó chính là Hà Lan với việc xây dựng cơ chế, chính sách, lộ trình rõ ràng cùng với việc có cơ chế hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cơ quan này đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới, phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu cũng như các quy định pháp luật liên quan như Luật Giá, Luật Điện lực. Điều này nghĩa là trong tương lai sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư