Phát triển chuỗi giá trị bền vững: Chớp thời cơ để doanh nghiệp phục hồi, tạo đà bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mối liên kết lỏng lẻo với khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong chuỗi giá trị cung ứng khiến DN Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội phát triển. Vậy, đâu là giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị này?
Bối cảnh dịch Covid-19 là cơ hội cho doanh nghiệp cải thiện hệ thống sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên
Bối cảnh dịch Covid-19 là cơ hội cho doanh nghiệp cải thiện hệ thống sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên

Đây là câu hỏi được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đặt ra tại Hội nghị Hỗ trợ DN phát triển chuỗi giá trị bền vững diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng và các DN đầu chuỗi, DN nhỏ và vừa.

Quanh quẩn câu chuyện “con gà - quả trứng”

Khi hỏi các DN Việt Nam là tại sao không chịu lớn lên, phấn đấu đạt chuẩn để tham gia vào chuỗi giá trị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, không ít DN nhỏ và vừa trả lời rằng: nếu đầu tư mà sản phẩm không tham gia được vào chuỗi thì sẽ không biết bán cho ai. Trong khi đó, DN FDI khi được hỏi là tại sao không cho DN Việt Nam cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng, thì lý do được đưa ra là, DN Việt Nam không đạt chuẩn hàng hóa, sản phẩm... Chung quy vẫn quay lại câu chuyện con gà - quả trứng đã được đặt ra trong nhiều năm qua, làm mất đi nhiều cơ hội để DN Việt lớn lên.

Liên kết yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN, mà còn giảm hiệu quả FDI. Do đó, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường do tác động của dịch Covid-19, việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được coi là một trong các yếu tố quyết định để phục hồi và tạo đà bứt phá cho khu vực DN, góp phần tăng trưởng kinh tế.

“Để kết nối được các DN với nhau cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từng DN và cả hệ sinh thái hỗ trợ DN. Không thể để DN FDI đi một đường, DN trong nước đi một nẻo, không tận dụng được lợi thế sẵn có của nhau”, người đứng đầu ngành KH&ĐT nhận định.

Cần bắt tay hành động

“Chúng ta không cần nói đi nói lại lý thuyết nhiều quá, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần bắt tay hành động. DN FDI nên nói rõ là cần gì, yêu cầu gì? DN Việt Nam có gì và phải làm gì? Các bên mong muốn Nhà nước hỗ trợ gì để kết nối các DN với nhau? Kết nối với nhau qua từng dự án, từng sản phẩm hàng hóa, từng chuỗi giá trị, từ những dự án nhỏ thì mới có thể làm được những cái lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Về phía các DN đầu chuỗi, bà Đào Thị Thu Huyền - Quản lý cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Canon luôn tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Đối với những sản phẩm có tính chất toàn cầu, yêu cầu đặt ra rất cao. Do đó, DN phải liên tục duy trì việc đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành ổn định cũng như liên tục cải tiến, phát triển công nghệ thì mới có thể làm bạn hàng đồng hành lâu dài với chuỗi cung ứng.

Thực tế, theo bà Huyền, để sản xuất một máy in cần tới 300 linh kiện, nhưng các nhà cung ứng của Việt Nam hiện mới chỉ cung cấp được các linh kiện nhựa chính xác, bao bì đóng gói, pallet... Các sản phẩm này tương đối giống nhau, nhưng lại tập trung quá nhiều nhà cung cấp dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, dư địa cung cấp linh kiện cho DN FDI này vẫn còn rất nhiều. Canon hiện có 59 nhóm hạng mục cần nội địa hóa tại Việt Nam, trong mỗi nhóm lại cần tới hàng chục linh kiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, nhiều DN Việt Nam yêu cầu DN FDI phải cam kết mua hàng thì mới sẵn sàng đi vay vốn để đầu tư công nghệ, đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn DN FDI đặt ra. Tuy nhiên, đây là thị trường mở, giữa các DN có sự cạnh tranh bình đẳng, thể hiện ở giá của từng linh kiện nhỏ. Ngoài tiêu chí sản xuất và quản lý chất lượng, Samsung khuyến khích các đối tác không ngừng nghiên cứu phát triển và cải tiến sản phẩm; tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý rủi ro về tín dụng...

“Các DN đừng quá nghĩ đến thị trường nội địa hay chăm chăm vào một đối tác nào đó. Đây là tư duy khá rủi ro. Bởi vì, ngoài Samsung Việt Nam, khi tham gia vào chuỗi cung ứng, DN Việt có thể cung ứng cho các tổ hợp của Samsung ở nước khác, hay ngoài Samsung còn có nhiều DN khác như LG, Panasonic...”, ông Tuấn khuyến nghị.

Về phía DN nhỏ và vừa, ông Phạm Duy Nhất - Tổng giám đốc Công ty JAT thừa nhận là nhiều khi chưa đủ quyết tâm và kiên nhẫn nên bị bỏ lại ở một khoảng cách khá xa. Rào cản nữa là về năng lực máy móc, thiết bị. Đầu tư vài chục tỷ đồng mà không biết có đơn hàng hay không là câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi với DN.

Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, ông Huỳnh Anh Tuấn - Trưởng phòng Phát triển nhà cung cấp của Apex Tool Group cho rằng, bản thân DN Việt phải có mong muốn tự thân, đừng sợ hãi, dám chấp nhận rủi ro để quốc tế hóa, từ đó mới chủ động nâng cao quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực... Hiện Covid-19 đang “đóng băng” nền kinh tế toàn cầu, đây là cơ hội cho DN cải thiện hệ thống, vì trước đây quá bận rộn nên không có thời gian để làm.

Một đại diện DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, luôn khát khao tìm cách để lớn, nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các DN rất cần các trung tâm kiểm nghiệm, xử lý tiệt trùng đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu để giảm thiểu chi phí đưa hàng từ miền Bắc vào miền Nam. Nhà nước cũng cần tạo cơ chế huy động sức mạnh của các hiệp hội ngành nghề để cùng sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng cho các DN quốc tế lớn.

Chuyên đề