“Nóng” chuyện thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối

(BĐT) - Không vay nợ vẫn bị đòi, bị đe dọa và quấy rối kể cả khi đã trả xong nợ là những rắc rối, phiền toái khiến người tiêu dùng tiếp tục khiếu kiện bên cho vay và các mô hình tư vấn cho vay trực tuyến. Tiếp tục trấn áp và phanh phui các vi phạm, siết chặt quản lý hoạt động của các mô hình cho vay được xem là giải pháp cần thiết hiện nay.
Người tiêu dùng nên ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ảnh: Lê Tiên
Người tiêu dùng nên ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ảnh: Lê Tiên

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương vừa cho biết, 8 tháng năm 2019, đơn vị này tiếp tục tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên nhóm hàng “tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” chiếm đến 40,37% tổng số các phản ánh, khiếu nại, lớn hơn nhiều so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Chủ thể liên quan trong nhóm hàng này bao gồm không chỉ các ngân hàng, công ty tài chính, mà đã bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng - P2P lending). Các mô hình này đang phát triển mở rộng và gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, đã có nhiều vụ việc thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối khiến một số công ty tài chính, công ty cầm đồ có liên kết với công ty tư vấn dịch vụ kết nối bị người tiêu dùng khiếu nại.

Theo đó, người tiêu dùng không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có tình trạng người tiêu dùng thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã thanh toán xong khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ để đe dọa, gây áp lực trả tiếp khoản vay đã trả.

Do đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay. Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến thì nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ (địa chỉ công ty, số điện thoại, email liên hệ…). Khi thực hiện vay, cần lưu ý yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi ký và lưu trữ sau khi ký kết.

Bình luận về hiện tượng người tiêu dùng bị đe dọa, quấy rối, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico nói: “Thời gian gần đây, nhiều vụ việc cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng cách uy hiếp, đe dọa đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, người tiêu dùng cũng được khuyến cáo về các rủi ro, rắc rối khi vướng vào các hình thức cho vay như vậy. Tình hình dường như không giảm đi, đối tượng vi phạm có vẻ manh động hơn, có thể do động thái mạnh tay của cơ quan chức năng khiến nhiều vụ việc lộ rõ hơn chứ không hẳn là tăng thêm”.

Về giải pháp cho tình trạng này, theo ông Đức, cần tăng thêm các điều kiện với các dịch vụ cho vay tiêu dùng và cho vay ngoài ngân hàng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc tuân thủ quy định pháp lý của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động này.

“Quản chặt về điều kiện kinh doanh, sát sao hoạt động của các tổ chức cho vay, xử lý nghiêm khắc các sai phạm là cách thức hiệu quả để vừa có tính răn đe với sai phạm, vừa giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc vướng vào các hình thức cho vay như vậy. Nếu không, những khiếu nại vẫn còn tiếp tục và người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi”, ông Đức nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư