Những “chuyện cũ” chưa hết nóng mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Nhiều câu chuyện “biết rồi” trong hệ thống ngân hàng tiếp tục được “nói mãi” trong mùa đại hội cổ đông
Những “chuyện cũ” chưa hết nóng mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Nhân sự cao cấp tiếp tục biến động

Trong giai đoạn tái cấu trúc ngành ngân hàng vừa qua, cùng với việc xử lý các ngân hàng yếu kém và xu hướng M&A được đẩy mạnh trong ngành, thị trường chứng kiến sự biến động mạnh về nhân sự cấp cao ngân hàng. Trong mùa ĐHCĐ năm nay, câu chuyện thay đổi nhân sự vẫn tiếp tục là chủ đề nóng.

Ngày 14/3 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2016 – 2020 của Sacombank. Số lượng thành viên HĐQT của nhiệm kỳ mới được đưa ra xin ý kiến cổ đông là từ 5-7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Việc bầu nhân sự lãnh đạo mới diễn ra trong bối cảnh Sacombank mới hoàn tất việc nhận sáp nhập SouthernBank.

Dù Eximbank chưa có kế hoạch cụ thể về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016, nhưng giới quan sát nhận định, với diễn biến căng thẳng tại kỳ ĐHCĐ bất thường bầu nhân sự mới hồi tháng 12/2015, ĐHCĐ thường niên tới đây của ngân hàng này sẽ “nóng” với câu chuyện “kẻ ở, người về”.

Trao đổi với ĐTCK, các lãnh đạo ngân hàng đều chung quan điểm, những ngân hàng đang trong tình trạng tái cơ cấu, tổ chức lại hoạt động thì nhân sự là vấn đề quan trọng nhất. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành ngân hàng bị xử lý nghiêm khắc, nên việc tìm được lãnh đạo phù hợp cho tình thế mới là điều không dễ dàng gì.

“Làm lãnh đạo ngân hàng bây giờ rất rủi ro, đặc biệt rủi ro về pháp lý, nên những vị trí cao cấp đã không còn hấp dẫn như trước. Một số lãnh đạo ngân hàng xin rút để “nhường” lại ghế cho người có “can đảm”, dẫn đến có những sự thay đổi lớn trong hệ thống”, chủ tịch HĐQT một ngân hàng nói.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ngày càng đi vào quỹ đạo mới, phù hợp với thông lệ quốc tế nên đòi hỏi cần phải có lãnh đạo tương xứng. Bên cạnh đó, ý thức của các cổ đông lớn cũng buộc phải thay đổi, không còn “ngân hàng là sân chơi riêng” mà đưa ngân hàng trở thành định chế tài chính phục vụ đại chúng… dẫn đến sự thay đổi nhân sự rất “nóng bỏng” ở giai đoạn hiện tại.

“Tuy nhiên, NHNN không nên can thiệp quá sâu vào câu chuyện nhân sự của các ngân hàng. Việc đưa nhân sự này vào cần phải trả lời được các câu hỏi: Vào để làm gì? Làm như thế nào? Kết quả cuối cùng sẽ là gì? Hay là để câu chuyện nhân sự đi theo quy luật của kinh tế thị trường?”, một chuyên gia kinh tế nói. 

Sở hữu chéo chậm khắc phục

TS. Hiếu cho rằng, 5 năm qua, NHNN đưa ra nhiều quy định, quyết định để quyết câu chuyện sở hữu chéo, ví dụ như với Thông tư 36 quy định, đến cuối năm 2016, phải xử lý xong sở hữu chéo, nhưng có lẽ mọi việc mới chỉ ở mức độ kêu gọi, tuyên truyền, chứ chưa phải là vấn đề mà các cơ quan quản lý thực sự mạnh tay điều chỉnh. Sở hữu chéo liên quan đến quyền lợi trực tiếp của những người liên quan xem ngân hàng như một công cụ “trời cho” để làm giầu mà nếu mất đi thì đồng nghĩa với việc mất nguồn lực tài chính to lớn, nên không dễ “nhả” ra.

“Chương trình tái cơ cấu của NHNN tiếp tục giai đoạn mới bắt đầu trong năm 2016 sẽ cần phải mạnh mẽ hơn bởi khi Việt Nam gia nhập AEC, TPP, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải đi theo những thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, thực hiện Basel II là điều không thể nhân nhượng, nên không còn dư địa cho sở hữu chéo tồn tại. Do vậy, cần phải quyết liệt, kể cả việc hình sự hóa nếu không chủ động tự giải quyết câu chuyện sở hữu chéo với thời hạn là cuối năm 2016”, TS. Hiếu nói.

NHNN không nên can thiệp quá sâu vào câu chuyện nhân sự của các ngân hàng. Việc đưa nhân sự này vào cần phải trả lời được các câu hỏi: Vào để làm gì? Làm như thế nào? Kết quả cuối cùng sẽ là gì? Hay là để câu chuyện nhân sự đi theo quy luật của kinh tế thị trường?
Theo số liệu của NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2015, các tổ chức tín dụng đã thoái khoảng 1.639 tỷ đồng vốn đầu tư ở tổ chức khác. Thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014 đến 30/9/2015, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện thoái được xấp xỉ 3.056 tỷ đồng vốn đầu tư tại các TCTD (riêng trong 9 tháng đầu năm 2015 thoái được 1.745 tỷ đồng).

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO nêu quan điểm, hiện tượng sở hữu chéo, với việc các doanh nghiệp sở hữu phần vốn lẫn nhau không có gì là nguy hiểm, nếu như việc triển khai các phương án đầu tư sở hữu chéo vì kế hoạch và lợi ích của pháp nhân.

Đồng thời, hiện nay Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp đều đã đặt ra các giới hạn hợp lý cho vấn đề sở hữu chéo như quy định công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau, không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó… Nhưng sẽ là nguy hiểm nếu cá nhân thông qua nhóm công ty chiếm quyền sở hữu và quản trị ngân hàng, từ đó rút ruột ngân hàng để thực hiện các mục tiêu về nâng tỷ lệ sở hữu, chiếm dụng vốn, lợi ích ngân hàng trong những giao dịch kinh doanh.

“Thực tế hiện nay, cả về chính sách pháp luật cũng như khâu quản lý Nhà nước đều có những sơ hở trong đối phó với hiện tượng này. Hầu hết chỉ khi những hậu quả đã phát sinh tại các ngân hàng ở mức độ trầm trọng mới được phát hiện, xử lý và đã muộn. Bên cạnh luật pháp và sự quản lý của NHNN, hành lang đạo đức kinh doanh cụ thể hóa và tính chuyên nghiệp, biết bảo vệ lợi ích bản thân mình của các cổ đông được nâng cao chính là giải pháp phù hợp xử lý hiện tượng này”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư