Nới room, vừa nới vừa “run”

(BĐT) - Thị trường chứng khoán đã có diễn biến tích cực (giá tăng, thanh khoản tăng) trước khi bước vào mùa Đại hội cổ đông thường niên 2016. 
Vinamilk đã xin rút bớt ngành nghề kinh doanh, động thái được xem là dọn đường cho việc nới room. Ảnh: Tường Lâm
Vinamilk đã xin rút bớt ngành nghề kinh doanh, động thái được xem là dọn đường cho việc nới room. Ảnh: Tường Lâm

Một trong những câu chuyện được quan tâm nhiều nhất bên cạnh chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh, đầu tư, cổ tức 2016… là việc nới tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi về nới room vẫn còn bỏ ngỏ.

Khát thanh khoản, doanh nghiệp nới room

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) vừa thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Giao dịch TP.HCM từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu (CP) đang lưu hành của Ngân hàng. Theo đó, MBB bổ sung thêm 160 triệu CP cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Trong một thời gian dài trước đó, Ngân hàng đã khóa 20% tổng số CP đang lưu hành chuẩn bị cho kế hoạch bán cổ phần cho một đối tác chiến lược. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, CP MBB được kỳ vọng sẽ tăng thanh khoản trong thời gian tới. Sau MBB, một số ngân hàng niêm yết có thể tiếp bước nới room cho khối ngoại. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, trần room cho các ngân hàng vẫn không được vượt quá 20%.

Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất kể từ khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố thoái toàn bộ khoản đầu tư tại doanh nghiệp (DN) này. Với giá trị thoái vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, để hấp thụ hết lô CP và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ thực sự cho hoạt động quản trị và kinh doanh của Công ty, VNM không thể không tính đến phương án kiếm tìm thêm đối tác ngoại thông qua việc sang tay lô CP của SCIC. Mới đây, VNM đã xin rút bớt ngành nghề kinh doanh, động thái được xem như phương án dọn đường cho việc nới room. Một loạt DN khác như Công ty CP Everpia Việt Nam (EVE), Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS)… cũng đã nới từ 49% lên 100%. 

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), một dấu hiệu khích lệ cho tâm lý chung trên thị trường là câu chuyện room đã trở lại trong tuần qua ở những DN đơn lẻ (chứ không phải toàn bộ thị trường). Do vậy, thay vì kỳ vọng vào các động thái từ cơ quan quản lý thì hiện nhà đầu tư đang tập trung vào một số DN cụ thể có những động thái riêng của mình liên quan đến vấn đề nới room. Những trường hợp kể trên mở đường cho nhiều DN khác có những động thái liên quan đến nới room trong những tháng tới và có khả năng sẽ diễn ra trước mùa Đại hội cổ đông thường niên.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, một số CP trên thị trường có khả năng sẽ tăng giá trong vài tuần tới trước kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc nới room của các DN này. Và trước mắt đây sẽ là yếu tố chi phối thị trường và sẽ thu hút nhà đầu tư quay trở lại thị trường như đã diễn ra trong những phiên giao dịch gần đây. 

Còn đó các vướng mắc

Tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài tại DN Việt Nam từ lâu bị khống chế cao nhất 49%, đối với một số ngành nghề có điều kiện là 30% (bảo hiểm, ngân hàng) vốn điều lệ. Chính sách nới room được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, tuy nhiên không được nhiều DN hưởng ứng do còn bất cập. Một trong những điều khiến DN và nhà đầu tư mong mỏi là cơ quan quản lý công bố tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư đối với từng ngành. Theo đó, DN và nhà đầu tư sẽ biết được ngành nào được mở room 100%, ngành nào bị khống chế không quá 49%.

Một băn khoăn nữa vẫn chưa được giải đáp là quy định hoạt động của DN sau khi nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm tỷ lệ trên 51% có được coi là DN nước ngoài hay không. Tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán đã đề cập đến một số nội dung về room rất quan trọng: công ty niêm yết sẽ được xem là công ty nước ngoài nếu tỷ lệ nước ngoài sở hữu vượt mức 65% liên tục 12 tháng trở lên. Mức 65% để xác định một công ty là sở hữu nước ngoài dựa trên ngưỡng quan trọng theo Luật Doanh nghiệp mà nếu sở hữu hơn mức này thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyền phủ quyết. Trong khi đó, 12 tháng là khoảng thời gian để xác định cổ đông đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, nội dung về room đã không có trong Thông tư 203/2015/TT-BTC ban hành ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán. Như vậy, quy định về nhà đầu tư nước ngoài chưa được cơ quan quản lý thống nhất và thị trường sẽ vẫn phải chờ đợi vào một văn bản (thông tư hay quy định) nào đó trong tương lai.

Trên thực tế, các DN niêm yết muốn nới room trong thời gian tới sẽ xem xét kỹ các trường hợp trước mắt (SSI và hiện là EVE, HHS…) để xem liệu có phát sinh bất lợi nào về mặt hoạt động từ quyết định nới room hay không. Nếu như không có bất lợi phát sinh, thì những DN này mới mạnh dạn xin nới room.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư