Nhiều nhà thầu xây lắp đặt mục tiêu tham vọng

(BĐT) - Sau năm 2015 hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây lắp đã nhập cuộc năm 2016 khá tự tin với kế hoạch tăng trưởng 2 con số. Những kế hoạch đầy tham vọng này dựa trên những yếu tố nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả kinh doanh khởi sắc

Theo báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) của Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, năm 2015, DN đạt tổng doanh thu 1.660 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 154 tỷ đồng, tăng 22,5% và 14% so với năm 2014. Đáng chú ý, năm 2015, FECON nhận được số lượng dự án kỷ lục, lên tới 80 dự án, tăng gấp đôi so với năm 2014. Bên cạnh đó, năm 2015, lần đầu tiên FECON bước ra thị trường nước ngoài khi trúng thầu Gói thầu Xử lý nền Dự án Mở rộng cảng Thilawa - Myanmar và bắt tay với công ty xây dựng địa phương thành lập Công ty liên doanh FECON - RAINBOW.

Năm 2016, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.600 tỷ đồng, tăng 45% so với kế hoạch năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, FECON đã đàm phán thành công nhiều hợp đồng thi công lớn với tổng giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2016.

Một doanh nghiệp đầu ngành xây dựng là Công ty CP Xây dựng Cotec (Coteccons) công bố kết quả kinh doanh 2015 vượt trội. Theo báo cáo KQKD hợp nhất 2015 chưa kiểm toán, Coteccons đạt doanh thu thuần 13.670 tỷ đồng (tăng trưởng 79% và vượt 49% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế 666 tỷ đồng (tăng trưởng 103% và vượt 66,5% kế hoạch). KQKD khả quan nhờ ghi nhận từ xây dựng nhà ở do Công ty có thế mạnh về mô hình thiết kế và xây dựng. Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng được cải thiện nhờ chi phí nguyên, vật liệu giảm và giá trị hợp đồng ký được tăng nhanh giúp Coteccons có thể yêu cầu điều khoản hợp đồng có lợi hơn. Chưa công bố kế hoạch kinh doanh nhưng theo chia sẻ của đại diện DN, Coteccons đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 ít nhất 20% so với 2015 dựa trên giá trị hợp đồng đã ký kết trong năm qua và các dự án sẽ ký kết và thi công trong năm 2016,

Một nhà thầu đình đám phía Bắc là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có kết quả kinh doanh khá tích cực. Theo báo cáo của Vinaconex, năm 2015 DN đạt giá trị sản xuất kinh doanh 11.250 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 550 tỷ đồng, bằng 131% so với thực hiện năm 2014. Theo đánh giá của Vinaconex, hoạt động xây lắp vẫn giữ được vị trí chủ đạo. Kết quả đấu thầu đạt được đã tạo nguồn công việc cho các đơn vị trong năm 2015 và chuyển tiếp cho năm 2016. Cụ thể, Công ty mẹ ký được 13 hợp đồng xây lắp với tổng giá trị 2.497,78 tỷ đồng, các đơn vị xây lắp thành viên ký được tổng giá trị 3.529,4 tỷ đồng hợp đồng mới, điển hình là Vimeco, Vinaconex 9, Vinaconex 25.

Năm 2016, Vinaconex lên kế hoạch riêng Công ty mẹ đạt tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng; giá trị đầu tư 842 tỷ đồng. Nếu tính hợp nhất cả Tập đoàn, sẽ có sự tăng trưởng đáng kể. Để hoàn thành kế hoạch, Vinaconex đã đưa ra một số giải pháp như củng cố hệ thống đấu thầu từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên để tập trung sức cạnh tranh; liên doanh liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, Vinaconex tiếp tục triển khai, tiếp cận với các chủ đầu tư có nhu cầu triển khai dự án với danh nghĩa là tổng thầu EPC; áp dụng các công nghệ mới trong thiết kế, quản lý dự án... nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động xây lắp. 

Tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi

Kết quả kinh doanh tích cực của các DN xây lắp đến từ sự hồi phục của nền kinh tế, nhưng bản thân các DN này cũng có những hoạt động tái cấu trúc mạnh mẽ để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Đơn cử trường hợp Vinaconex trong năm 2015 đã thoái vốn quyết liệt tại nhiều DN: Công ty CP Tài chính Vinaconex - Viettel, Vinaconex 6, Vinaconex 7, Vinaconsult, Xi măng Yên Bình… Không chỉ thu về nguồn tiền củng cố năng lực tài chính, việc bán DN ngoài ngành còn giúp HĐQT tập trung vào phát triển mảng kinh doanh cốt lõi.

Nói về định hướng phát triển năm 2016, FECON cho biết, DN tiếp tục tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi trong lĩnh vực thi công xử lý nền móng, công trình ngầm; đầu tư và phát triển các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng và môi trường. Bên cạnh đó là hợp tác liên doanh, liên kết với các nhà thiết kế, nhà thầu, nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực và kinh nghiệm về các lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Maritimebank, có ít nhất 3 yếu tố tác động đến thị trường bất động sản, xây dựng trong thời gian tới. Một là, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản sẽ giúp cho phân khúc nhà ở khởi sắc. Hai là, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký và sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ kéo theo sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy thị trường bất động sản, xây dựng tăng trưởng. Ba là, trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ đã đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng, gần bằng 8 năm trước cộng lại, cao hơn cả một số nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, xây dựng và là cơ hội lớn cho các DN xây lắp có kế hoạch dài hơi và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là cơ sở để các DN này đặt mục tiêu cao trong năm 2016.

Chuyên đề