Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đơn cử, Gói thầu số SFD-XL02 Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên) đang trong thời gian mời thầu rộng rãi. Tại Gói thầu này, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải cung cấp văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng/ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam mà nhà thầu mở tài khoản, với số dư tiền gửi tối thiểu bằng 6,15 tỷ đồng và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).
Tại Gói thầu Hệ thống giao thông tuyến T8A - T9A, tuyến T15A - T16A, tuyến T18A - T19A thuộc Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên, HSMT quy định nhà thầu phải có xác nhận của ngân hàng uy tín tại Việt Nam với số dư tiền gửi là 13,74 tỷ đồng, kèm theo văn bản về việc phong tỏa số tiền trên đến khi có văn bản yêu cầu hủy phong tỏa của Bên mời thầu.
Phản ánh đến Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, đây là tiêu chí hạn chế sự tham gia của rất nhiều nhà thầu. Theo một nhà thầu, việc xác nhận số dư tiền gửi tối thiểu bằng 6,15 tỷ đồng hay 13,74 tỷ đồng không phải khó. Nhưng vấn đề là nhà thầu phải cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác) cho đến khi có văn bản đề nghị hủy phong tỏa tài khoản của bên mời thầu. Trong khi đó, vốn lưu động của doanh nghiệp là để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng quay vòng phục vụ thi công. Nếu chỉ vì xét thầu mà để “tiền chết” thì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu.
Theo một chuyên gia đấu thầu, nhà thầu có thể chứng minh nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc thực hiện gói thầu bằng các tài sản có khả năng thanh khoản cao khác, hoặc các cam kết tín dụng. Mặt khác, bên cạnh việc chứng minh nguồn lực tài chính, nhà thầu còn phải đáp ứng các yêu cầu về bảo lãnh dự thầu. Trường hợp để được cấp bảo lãnh dự thầu hoặc cam kết tín dụng, ngân hàng đã xét đến uy tín và khả năng thanh toán của nhà thầu. Do đó, việc bắt buộc cam kết phong tỏa số tiền gửi như trên là gây khó cho nhà thầu tham dự.
Một “biến tướng” khác trong yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu là việc HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp các cam kết tín dụng không điều kiện.
Đơn cử, Gói thầu Thi công xây lắp + thiết bị khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) vừa được mở thầu mới đây. Hay tại Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Tuyến đường ven sông Bắc Hưng Hải (đoạn qua thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vừa công bố kết quả trước đó.
Tại 2 gói thầu nêu trên, HSMT yêu cầu nhà thầu phải cung cấp cam kết tín dụng vô điều kiện phát hành bởi tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, để bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia đấu thầu, việc HSMT yêu cầu cam kết tín dụng không điều kiện là không phù hợp với thực tế. Bởi, nội dung cam kết tín dụng được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về tín dụng, trong đó có sự ràng buộc và điều kiện giữa ngân hàng và nhà thầu.
Tại các mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định, để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu, nhà thầu có thể chứng minh bằng: các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng (cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với gói thầu này) hoặc các nguồn tài chính khác.
Thực tế cho thấy, tại mỗi HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu lại vận dụng theo một cách khác nhau trong việc xây dựng nội dung đánh giá này. Khi thì chỉ cho phép nhà thầu được chứng minh bằng một phương thức nhất định; khi thì lại thêm hoặc bớt các quy định tại HSMT, từ đó phát sinh nhiều tiêu cực và kiến nghị của nhà thầu.