Nhận diện bất cập, khai thác hiệu quả tài nguyên điện gió

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện gió, việc không yêu cầu phải có báo cáo kết quả đo gió mà thay bằng báo cáo đánh giá tiềm năng gió tại khu vực dự án làm điều kiện để bổ sung vào quy hoạch từ đầu năm 2019 đã mở cánh cửa vào quy hoạch cho nhiều dự án điện gió. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để các dự án không có thông số kỹ thuật tin cậy, số liệu chỉ là tiềm năng về lý thuyết vẫn đủ điều kiện vào quy hoạch dẫn đến tình trạng “bội thực” dự án điện gió nhưng hiệu quả chưa tương xứng.
Cần có các điều kiện đi kèm chặt chẽ hơn đối với dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch như kết quả đo gió, năng lực triển khai dự án
Cần có các điều kiện đi kèm chặt chẽ hơn đối với dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch như kết quả đo gió, năng lực triển khai dự án

Bất cập từ quy định bổ sung dự án vào quy hoạch

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và nguồn đồng phát), trong đó tổng công suất nguồn điện gió trên bờ đạt 16.121 MW (chiếm 11%), điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW (chiếm 4,8%). Đến năm 2030, cần đưa vào vận hành thêm khoảng 12.000 MW đối với điện gió trên bờ và dự kiến phát triển 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Như vậy, với tiềm năng gió lý thuyết - kỹ thuật dồi dào, việc tính toán, lựa chọn dự án điện gió để phát triển cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng để phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích tổng thể tốt nhất.

Nhằm khai thác nguồn năng lượng tái tạo, tạo nguồn điện sạch cho hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đặt nền móng phát triển nguồn điện gió với các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, cơ chế giá ưu đãi (FIT) tương đương 7,8 UScents/kWh…

Ngày 12/11/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2012/TT-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió. Theo đó, để thực hiện dự án điện gió, nếu chưa có quy hoạch thì dự án được phép đề xuất những khu vực, vùng dự án chưa có trong Danh mục các dự án điện gió được duyệt. Điều kiện bắt buộc để được bổ sung dự án vào quy hoạch phải có báo cáo kết quả đo gió tại các vị trí thuộc phạm vi dự án trong thời gian tối thiểu 12 tháng liên tục theo quy định tại Điểm c Khoản 5, Điều 4 Thông tư số 32.

Số liệu kết quả đo gió được ví như linh hồn của một dự án điện gió, quyết định tính khả thi, hiệu quả của dự án và là dữ liệu tiên quyết trong việc vay vốn từ tổ chức tài chính. Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất điện gió được lắp đặt ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 228 MW.

Ngày 1/11/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, theo đó tăng giá FIT từ 7,8 USCents/kWh lên 8,5 USCents/kWh đối với dự án điện gió trong đất liền; 9,8 USCents/kWh đối với dự án điện gió trên biển áp dụng đối với các dự án vận hành thương mại trước 1/11/2021.

Đến ngày 15/1/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BCT thay thế Thông tư số 32/2012/TT-BCT. Theo đó, quy định về việc bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực không yêu cầu phải có báo cáo kết quả đo gió mà thay bằng báo cáo đánh giá tiềm năng gió tại khu vực dự án. Với việc sửa đổi theo hướng “mở”, hàng loạt dự án điện gió trên khắp cả nước được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Kể từ khi Quyết định 39/2018/QĐ-TTg được ban hành, đến thời điểm tháng 3/2020 cả nước chỉ có 9 dự án điện gió đi vào vận hành với công suất khiêm tốn khoảng 350 MW. Nhưng sau khi Thông tư số 02/2019/TT-BCT được ban hành, đã có hàng nghìn MW điện gió được bổ sung quy hoạch. Có thể thấy, đòn bẩy cho sự tăng trưởng thần tốc này là giá mua điện hấp dẫn và việc dễ dàng được bổ sung dự án vào quy hoạch. Điều này dẫn đến đánh đồng giữa các nhà đầu tư “tay mơ” chưa có kinh nghiệm, năng lực thực hiện dự án điện gió với các nhà đầu tư có năng lực, đã phát triển dự án điện gió thành công.

“Siết” quy hoạch bằng thông số kỹ thuật và năng lực thực tế

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết ngày 31/10/2021 đã có 84 nhà máy điện gió đi vào vận hành với tổng công suất 3.987,27 MW, chiếm 33,44% tổng công suất nguồn điện gió đã bổ sung quy hoạch (11.921 MW).

Số liệu vận hành hệ thống điện từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, công suất phát điện gió thường xuyên biến động lớn hằng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày. Chỉ có khoảng 7 ngày trong tháng 4 và 1 ngày trong tháng 5, tổng công suất phát điện gió toàn quốc cao hơn mức 2.000 MW. Đáng chú ý, sản lượng điện huy động từ nguồn điện gió phát lên lưới vào ngày 19/3 chỉ đạt vỏn vẹn 15 MW.

Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện để áp dụng trong giai đoạn sau 31/10/2021. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, chi phí thiết bị chiếm khoảng 70% tổng mức đầu tư và có xu hướng giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 10 năm chi phí đầu tư điện gió giảm khoảng 20%. Do đó, giá đấu thầu mua điện gió giai đoạn tới được dự báo sẽ giảm tương ứng. “Với tốc độ gió trung bình năm ở mức tốt, thời gian đo gió tối thiểu một năm, giải tỏa được công suất trong khu vực, thì dự án điện gió trên đất liền mới đảm bảo được tính hiệu quả đầu tư để triển khai cho giai đoạn sắp tới nếu khung giá phát điện có giá trần là 7 USCents/kWh; tương tự đối với điện gió ngoài khơi, giá trần 9,8 USCents/kWh mới khả thi để đầu tư”, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE cho biết.

Theo kết quả tính toán từ nhóm lập Dự thảo Quy hoạch điện VIII, với khoảng tốc độ gió từ trên 6,5 m/s, tiềm năng kỹ thuật điện gió trên đất liền toàn quốc chỉ khoảng 1.605 MW. Đối với điện gió ngoài khơi, tiềm năng kỹ thuật các khu vực biển tại Việt Nam có tốc độ gió trung bình năm trên 8 m/s khoảng 60.841 MW.

Như vậy, nếu giá mua điện giai đoạn tới giảm thì chỉ những dự án điện gió có tốc độ gió trung bình năm cao mới đảm bảo tính khả thi để đầu tư. Do đó, thiết nghĩ cần quy định số liệu đo gió thực tế là điều kiện tiên quyết để lựa chọn, bổ sung dự án vào quy hoạch, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Đồng thời, để hạn chế những nhà đầu tư “tay mơ” không có kinh nghiệm, năng lực đề xuất bổ sung quy hoạch dự án làm rối thị trường, nên chăng bổ sung quy định ràng buộc về kinh nghiệm đã từng thực hiện dự án điện gió là một trong những điều kiện để được chấp thuận cho phép khảo sát, đề xuất lập hồ sơ nghiên cứu, bổ sung dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong thời gian tới.

Chuyên đề