Một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam là tình trạng thiếu vật liệu đất đắp. |
Theo kế hoạch, trong tháng 12/2022, những gói thầu xây lắp đầu tiên thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chính thức khởi công. Là dự án quan trọng quốc gia, đi qua 12 địa phương với tổng chiều dài 721 km, cần huy động khối lượng vật liệu xây dựng khổng lồ, công tác chuẩn bị cho phần việc này có những điểm khác biệt so với giai đoạn 2017 - 2020.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, tại tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các nhà thầu phải đi kiếm nguồn vật liệu từ mọi kênh, mua bằng mọi giá có thể. Trong cuộc đua này, nhiều nhà thầu đã phải chấp nhận bị điều chuyển khối lượng do không tìm được nguồn vật liệu. “Mọi nhà thầu đổ xô đi kiếm vật liệu trên địa bàn, các cuộc thương thảo khiến phương án tài chính của nhà thầu chao đảo khi chủ mỏ ra giá quá cao, thay đổi từng ngày”, một nhà thầu bị cắt giảm khối lượng chia sẻ với phóng viên.
Trong khi đó, chính các địa phương cũng lúng túng, chậm trễ khi tiến hành khảo sát, đánh giá, hướng dẫn các thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc. Như tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến giữa năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận mới hoàn tất cấp phép 13 mỏ vật liệu (chủ yếu mỏ đất), đạt tổng trữ lượng 4,45 triệu m3. Sau thời điểm này, tiến độ thi công các gói thầu chính mới được tăng cường. Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai liên tục phải yêu cầu các sở, ngành và địa phương gấp rút hoàn tất các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu thi công Dự án Dầu Giây - Phan Thiết. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng bày tỏ sự lo ngại khi sắp tới, 2 dự án thành phần 1, 2 thuộc Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 cần hơn 4,4 triệu m3 đất đắp; hơn 53.000 m3 cát và hơn 88.000 m3 đá xây dựng các loại.
Thông tin của Bộ Giao thông vận tải cho biết, về nguồn vật liệu phục vụ Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã xác định 147 mỏ đất đắp nền có tổng trữ lượng gần 188 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của Dự án (khoảng 59,5 triệu m3). Như vậy, tài nguyên sẵn có bảo đảm cung ứng đủ phục vụ Dự án. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho rằng, tại địa bàn cao tốc đi qua, địa phương phải cam kết với Chính phủ cung cấp đủ vật liệu phục vụ thi công. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các chủ mỏ thao túng giá, cấu kết bắt chẹt nhà thầu. Các nhà thầu có quyền mua vật liệu như giá địa phương công bố.
Tại Thông báo số 336/TB-VPCP ngày 25/10/2022, Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, yêu cầu các địa phương cần giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công. Tuyệt đối không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu. Các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu triển khai thủ tục liên quan bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật. Đồng thời, nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Định An, nhà thầu đang thi công Gói thầu XL-11 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, nếu nội dung này được thực hiện đồng bộ, nhà thầu trực tiếp quản lý khai thác mỏ, giá vật liệu xây dựng sẽ được ổn định, phù hợp.
Thông tin đến Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương này sẽ ưu tiên giao mỏ cát cho các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án cao tốc, trong thời gian tới sẽ không giao cho đơn vị tư nhân khai thác.
Một số chủ đầu tư quản lý dự án cao tốc cho biết, để nhà thầu chủ động tiếp cận các mỏ vật liệu, ổn định chi phí, khối lượng, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành như tài nguyên môi trường, quản lý thị trường, giá, xây dựng.