Các dự án PPP thường có tổng mức đầu tư rất lớn, nên nguồn nhân lực mà nhà đầu tư phải chuẩn bị khi theo đuổi dự án cũng rất nhiều |
Khi khung pháp lý thiếu ổn định và còn rườm rà, khó có nhà đầu tư nào dồn hết nhân lực, vật lực rồi “ôm cục tiền ngồi đợi dự án”.
Khung pháp lý cần thống nhất và ổn định
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, do đặc thù của dự án PPP có vòng đời kéo dài hàng chục năm nên rất cần một khung pháp lý ổn định và thống nhất. Điều này thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước đối với PPP, nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi theo đuổi và đầu tư vào các dự án PPP.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khung pháp lý về PPP của Việt Nam vẫn chưa ổn định. Hơn nữa, thời kỳ “quá độ” giữa các văn bản pháp luật về PPP có những quy định về chuyển tiếp. Với vòng đời dự án dài, việc phải áp dụng nhiều quy định chuyển tiếp cũng có thể khiến nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, các dự án PPP phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chẳng hạn, một số nội dung quy định tại các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (NĐ15) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ30) còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nên trong quá trình triển khai dự án PPP, các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư gặp không ít khó khăn, bất cập cần có biện pháp tháo gỡ. Đơn cử như các nội dung quản lý, giải ngân vốn góp của Nhà nước vào dự án PPP, huy động vốn góp của nhà đầu tư vào doanh nghiệp dự án, trình tự thủ tục triển khai các dự án PPP có vốn góp của Nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP... Điều này làm tăng tính phức tạp, rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án cụ thể, dẫn đến tính hấp dẫn của các dự án đầu tư theo mô hình này bị giảm xuống.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc khung pháp lý cho PPP hiện mới dừng ở Nghị định cũng là 1 rào cản, vì Nghị định có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật nên quá trình thực hiện sẽ bị vướng “trần”. Thực tế này cũng phần nào lý giải việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP tại Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến một số quy định của NĐ15 và NĐ30 chưa phù hợp với thực tế triển khai như về loại hợp đồng, quy trình thực hiện dự án và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước... Đây cũng là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với các dự án PPP.
Nên tăng tính chủ động cho nhà đầu tư
Thực tế, cũng có ý kiến chia sẻ, mặc dù hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư nhưng ở nhiều dự án PPP, việc giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư – trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với nhà đầu tư thường chậm chạp, không đảm bảo tiến độ đã cam kết. Tuy nhiên, khi gặp phải trường hợp này thì nhà đầu tư không biết kêu ai, không dám kêu và nếu có kêu thì cũng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Kỳ Sơn cho rằng, tư duy và cách thức quản lý nhà nước về PPP thời gian qua chưa thực sự phù hợp. Chúng ta nên giám sát chặt chẽ dự án PPP từ đầu, từ bước nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát, lập dự án và thẩm định kỹ nguồn vốn đầu tư..., nhưng sau đó nên tạo tính chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng “việc đã rồi”, sau đó các cơ quan quản lý nhà nước lại can thiệp sâu vào các việc “bếp núc” của nhà đầu tư... Đối với dự án PPP, Nhà nước cũng cần chuyển đổi, cần có tư duy quản lý dài hạn, phù hợp và xứng tầm với PPP.
Theo ý kiến phản ánh của một số nhà đầu tư, thủ tục triển khai, thực hiện dự án PPP cần được nghiên cứu sửa đổi, tránh làm mất nhiều thời gian, lãng phí tiền bạc của nhà đầu tư. Trong khi đó, việc sớm đưa các dự án PPP thực sự cần thiết vào vận hành sẽ đem lại những giá trị thiết thực cho xã hội, làm tăng hiệu quả đầu tư cho dự án PPP. Đối với các dự án PPP, tổng mức đầu tư thường rất lớn, quy mô dự án là hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng nên nguồn nhân lực mà nhà đầu tư phải chuẩn bị khi theo đuổi dự án cũng rất lớn. Với nhà đầu tư, thời gian, cơ hội là tiền bạc. Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, việc thu hút và tận dụng, tranh thủ nguồn lực tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng của Nhà nước thông qua hình thức PPP là hết sức cần thiết.