Nghĩ từ hai giờ du lịch “tranh thủ” ở Cuba

(BĐT) - Tranh thủ khoảng thời gian từ bữa tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba tới thời gian hội đàm của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm vừa qua, tôi nhờ một bạn sinh viên làm hướng dẫn đi tham quan khu phố cổ của thủ đô La Habana. Chúng tôi ăn vội, rồi bắt một xe taxi để bắt đầu chuyến du lịch “tranh thủ” trong hai giờ.
Kết cấu hạ tầng của Cuba đã có nhiều khởi sắc
Kết cấu hạ tầng của Cuba đã có nhiều khởi sắc

Từ nhà trong phố cổ La Habana

Ấn tượng đầu tiên của tôi là taxi ở La Habana… rất lạ.

Đó là những chiếc xe ô tô của Mỹ được sản xuất từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm sử dụng mà không có phụ tùng thay thế, những người thợ cơ khí Cuba đã khéo léo dùng mọi cách có thể để đảm bảo xe vẫn chạy được trên đường, dù không có các bảng đồng hồ đo tốc độ, vòng tua máy…

Chiếc taxi đưa tôi đến một góc phố cổ nhìn thẳng ra biển. Nhìn cả tuyến phố, những ngôi biệt thự cổ mang trên mình cả câu chuyện lịch sử. Hầu hết các ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Tây Ban Nha, nhưng mỗi nhà một vẻ. Trên cả tuyến phố, rất nhiều ngôi nhà đã được sửa chữa, trùng tu theo đúng thiết kế ban đầu, sau khi sửa chữa xong được dùng làm khách sạn phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó cũng có những ngôi nhà bỏ hoang, cửa bị hỏng, có nơi mái đã sập một phần được quây lại đợi sửa chữa. Tôi được mấy người dân gần đó cho biết, một trong những ngôi nhà đang sửa chữa trước đây là nơi ở của họ. Khi ngôi nhà bị xuống cấp, nguy hiểm, họ được chuyển đến nơi ở mới – những căn hộ trong một tòa nhà cao tầng theo kiến trúc kiểu Liên Xô cũ.

Nhưng điều đáng nói là ở các phố cổ mà tôi đã đi qua không hề có hiện tượng cơi nới, lấn chiếm diện tích dùng chung như ở các đô thị của Việt Nam. Cũng không thấy có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, hè phố để bán hàng phục vụ khách du lịch. Có lẽ các công dân phố cổ La Habana, mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn như Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước, đã có lối tư duy công nghiệp, chấp hành rất đúng quy hoạch xây dựng.

Xe cổ - nét độc đáo nơi quốc đảo Cuba thanh bình

Bên cạnh đó, do chính quyền quản lý chặt chẽ, nên khi một ngôi nhà bị hư hỏng thì cư dân sẽ được chuyển sang nơi ở mới an toàn hơn. Suy nghĩ kỹ, có lẽ cách hiểu mỗi người có quyền “sở hữu một chỗ ở” là trách nhiệm của Nhà nước đã tạo ra nhiều hệ lụy. Cuba quan niệm người dân có quyền “có chỗ ở” chứ không phải “sở hữu chỗ ở”, nên khi được chuyển sang chỗ ở mới không có chuyện so sánh giá nhà mặt tiền trên phố với giá nhà chung cư, hay mỗi địa phương phải xây dựng một bộ đơn giá đền bù với biết bao chi phí và bộ máy hành chính cồng kềnh.

Chắc sẽ có người phản bác lại rằng như thế là “không có thị trường bất động sản, làm méo mó nền kinh tế thị trường”. Nhưng kinh nghiệm ở một số nước có chính sách an sinh xã hội tốt trên thế giới lại không giúp củng cố lập luận như vậy! Ở các nước này, Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng cho các thanh niên bước vào cuộc sống, tùy khả năng tận dụng thời cơ mà dần dần sẽ có người mua được nhà và đất ở, có người đi ở nhà thuê. Nhà nước vẫn tổ chức thị trường bất động sản cho người có điều kiện đáp ứng được các yêu cầu mua nhà riêng, đồng thời vẫn xây dựng nhà để cho thuê lại. Đây chính là nhiệm vụ được phân cấp: chính quyền các địa phương phải dành đất và ngân sách để xây nhà ở cho thuê. Cử tri sẽ đánh giá các chính trị gia ở địa phương qua hiệu quả chăm lo cho đời sống người dân.

Đến cánh đồng bát ngát cò bay

Đi hơn hai giờ xe trên đường cao tốc, chúng tôi đến vùng đất Dự án Trồng lúa nước mà Việt Nam đang giúp bạn. Mục đích của Cuba đặt ra là tự túc được gạo cho dân số khoảng tám triệu người. Bạn dành hẳn một quỹ đất theo yêu cầu kỹ thuật của các chuyên gia Việt Nam và bố trí đủ máy móc để thi công kênh mương dẫn nước và đường ô tô rộng 9m đi vào. Khi chúng tôi đến vùng này, nhiều con đường ô tô vẫn chưa rải nhựa nhưng đã được đầm chặt để đảm bảo cho xe qua.

Một cảm giác lạ chợt xuất hiện khi tôi nhìn thấy hình ảnh những con cò trắng bay trên cánh đồng lúa xanh. Vui vì cảnh thiên nhiên đẹp, buồn khi nghĩ về quê nhà với những vuông ruộng chỉ vài trăm mét vuông dày đặc bờ vùng bờ thửa. Phong trào cánh đồng lớn, bắt nguồn từ An Giang với sự bảo trợ của Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang đã xuất hiện từ những năm 2007 - 2008, nhưng sức lan tỏa ở khu vực phía Nam vẫn còn rất chậm. Cùng với đó, phong trào dồn điền đổi thửa tại vựa lúa Bắc Bộ cũng diễn ra với muôn vàn khó khăn và kết quả cũng chưa thể nói là đã giúp đổi mới được phương thức sản xuất trong nông nghiệp.

Một góc phố cổ ở Cuba

Là một trong ba ngành hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước (cùng với dầu thô và dệt may - da giày), nông nghiệp Việt Nam tới đây sẽ phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt cả về chất lượng và giá thành, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được thực thi. Nếu vẫn manh mún như hiện nay, khả năng nông nghiệp Việt Nam bị mất thị trường là rất lớn, do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất xanh với giá thành hạ.

Nên chăng, tương tự như câu chuyện về quyền có chỗ ở, chúng ta phải thống nhất nhận thức: ai sản xuất có hiệu quả trên cùng một diện tích ruộng thì người đó được giao sản xuất, để từ đó cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện khẩu hiệu mới: “người cày có ruộng”?

Bạn đi sau ta với hai bàn tay trắng về kinh nghiệm trồng lúa nước, vậy mà với sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam, giai đoạn một của Dự án đã thu được kết quả tốt đẹp. Thành công của Dự án cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các yêu cầu kỹ thuật của Dự án trong giải quyết sản xuất với diện tích lớn. Câu nói “giúp bạn chính là tự giúp mình” hoàn toàn đúng với mối quan hệ Việt Nam - Cuba.

Ra về với suy nghĩ bạn làm được, mình cũng phải làm được, chúng ta cùng làm thành công, tôi thấy chặng đường nửa bán cầu ngắn lại...

Chuyên đề