Nghề báo - Niềm vui và nước mắt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghề nghiệp là cái để sinh tồn. Có người thỏa mãn nhu cầu nghề nghiệp, thôi thúc niềm đam mê say đắm. Có người bị nghề chọn, đó là “nghiệp”. Nghề nào cũng có cái hay, cái không hay, cũng có nguy hiểm. 
Đằm mình vào cuộc sống, người làm báo như những chiến sĩ xung kích trên mọi lĩnh vực mũi nhọn của đời sống. Ảnh: Lê Tiên
Đằm mình vào cuộc sống, người làm báo như những chiến sĩ xung kích trên mọi lĩnh vực mũi nhọn của đời sống. Ảnh: Lê Tiên

Nghề làm báo không nằm ngoài quy luật chung này, nhưng nó là cái nghề mang đến cho ta thật nhiều kỷ niệm khó quên. Hơn bốn mươi năm cầm bút, nhưng cứ  đến ngày 21/6, tôi lại bồi hồi xúc động, nhớ da diết những kỷ niệm đã qua, những bài báo đã viết: hạnh phúc và buồn đau; nụ cười và nước mắt. Niềm vui đấy, nhưng sau đó là không ít thăng trầm dâu bể…

Tôi nhớ nhất là những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước. Sau khi Nghị quyết khoán 10 của Bộ Chính trị về nông nghiệp được ban hành, thì ngay lập tức, cả nước như bùng nổ cơn địa chấn. Trên các tờ báo lớn tràn ngập bài vở, tin tức khoán 10. Những bài viết này trao đổi và gợi mở kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương và không ngừng đề xuất những sáng tạo mới mẻ, kinh nghiệm hay để khoán 10 nâng lên tầm cao mới. Và bây giờ thì không ai còn bàn đến khoán 10 nữa. Người ta coi nó như một chuyện mặc nhiên. Hiệu quả mà nó mang lại như chưa từng có trong lịch sử phát triển cây lúa ở Việt Nam…

Nhưng đấy là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Còn công nghiệp thì sao? Mà công nghiệp mới thực sự là vấn đề cốt tử của công cuộc đổi mới, phát triển  đất nước. Ở vào thời điểm những năm 1988 - 1989, đã bắt đầu manh nha một vài ý kiến mạnh dạn đề xuất giải pháp cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cổ phần hóa như thế nào, bắt đầu từ đâu, bước đi, cách làm và làm sao tạo được động lực khơi dậy tối đa tiềm năng con người và vật chất, làm thay đổi diện mạo nền công nghiệp hiện đại mà chúng ta theo đuổi? Hồi ấy, khi nói đến cổ phần hóa, không ít ý kiến cho rằng, cổ phần hóa là xóa bỏ vai trò của Nhà nước, thậm chí có ý kiến còn chính trị hóa vấn đề. Họ cho rằng, cổ phần hóa có thể dẫn đến thao túng, lũng đoạn và làm suy yếu Nhà nước…

Giải đáp câu hỏi này là vấn đề bức xúc và cần thiết. Báo Quân đội nhân dân là một trong hai tờ báo lớn, luôn ở mũi nhọn xung kích trên mọi mặt trận. Hồi đó, Đại tá Trần Ngọc - tác giả bài thơ nổi tiếng “Chú đi tuần” là Trưởng ban Kinh tế của Báo Quân đội nhân dân. Vào một buổi sáng, ông gọi tôi sang phòng riêng giao nhiệm vụ viết vệt bài về cổ phần hóa doanh nghiệp. Ông nói: “Trước hết, cậu đi tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu lấy tài liệu kỹ càng. Khi nào chín thì viết loạt bài chuyên luận. Đây là vấn đề mới, khó nên phải viết chắc tay, có thực tiễn, có lý luận mới mong thuyết phục bạn đọc…”.

Vào thời điểm ấy, tôi chưa chuyển sang làm ở Ban văn nghệ của báo, vẫn là phóng viên chuyên trách kinh tế nên quen biết nhiều doanh nghiệp và các viện nghiên cứu kinh tế. Sau gần một tháng đi cơ sở, tiếp xúc với mọi đối tượng, tôi mang về đống tài liệu và hì hục đọc, cố tìm cho ra bản chất đúng đắn cổ phần hóa, rồi tìm tòi cách viết, sao cho trung thực, khách quan, có lý, có tình. Tôi viết hết mức có thể những vấn đề nắm bắt được, không ngại va chạm, phản biện.

Khoảng hai tuần thì tôi viết xong, vệt bài về cổ phần hóa trên Báo Quân đội nhân dân ra đời. Quả thật, tôi vô cùng hồi hộp. Và đúng như dự đoán, bài báo gây nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà kinh tế học và không ít doanh nghiệp nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng: Viết như thế là xóa bỏ Nhà nước à? Tiền của Nhà nước để lọt vào tay một nhóm người thao túng, rồi tệ nạn độc đoán, chuyên quyền nảy sinh, người lao động có lợi gì?… Anh Trần Ngọc động viên tôi: “Không phải lo đâu, cậu cứ tiếp tục theo đuổi đề tài này đi!”. Tôi lại lao vào cuộc, quyết làm đến tận cùng vấn đề…

Đúng lúc đó thì anh Phan Khắc Hải, khi ấy mới nhận chức Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (sau này chuyển sang Thứ trưởng Bộ Văn hóa) gọi tôi lên. Ông hồ hởi thông báo: “Vệt bài cổ phần hóa của cậu viết rất khá”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa thông báo biểu dương Báo Quân đội nhân dân. Tổng Bí thư đã yêu cầu lớp tập huấn chủ tịch và bí thư các tỉnh đang tập trung ở Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc tìm đọc bài báo và tổ chức hội thảo về cổ phần hóa, dựa trên những gợi mở mà Báo Quân đội nhân dân đã nêu… Thật không gì hạnh phúc hơn lúc ấy. Tôi như vừa trút đi gánh nặng. Một niềm vui bất ngờ khó có thể quên. Với tôi như thế là mãn nguyện rồi.

Nhưng việc làm báo đâu phải lúc nào cũng êm xuôi. Tôi cũng như biết bao đồng nghiệp khác. Ngày đêm như con tằm kéo kén nhả tơ, mang lại những thông tin bổ ích cho mọi người. Nhưng rồi cũng không ít lần bầm dập, đắng cay về cái nghề nghiệp của mình. Chuyện là năm 2002, khi tôi chuyển sang phụ trách ban Văn hóa - Văn nghệ của Báo Quân đội nhân dân. Vì muốn thay đổi cách làm văn nghệ đã cũ và bảo thủ; hơn nữa, trước thực trạng khủng hoảng về thơ nói riêng và văn học nói chung, tôi xúc tiến tổ chức bàn tròn hội thảo “Thơ đi về đâu”. Thành phần tham gia hội thảo bao gồm các nhà thơ nổi tiếng nhất thời hậu chiến và các giáo sư, tiến sĩ văn học, các nhà phê bình lý luận ở Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Viết văn và Viện Văn học… Cuộc hội thảo diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến gợi mở một con đường mới cho thơ ca. Tinh thần chung của hội thảo là khước từ những gì nhàm chán, mòn sáo, cũ kỹ; khuyến khích thúc đẩy cách tân thơ và đặc biệt là hình thành một quan niệm thẩm mỹ mới trong văn chương…

Ngay ngày hôm sau, bài báo “Thơ đi về đâu?” được tường thuật ghi chép cẩn thận, đăng kín cả trang báo hàng ngày khổ lớn Báo Quân đội nhân dân. Thế rồi, chỉ mấy tiếng đồng hồ, nó lập tức trở thành một sự kiện gây xôn xao giới văn nghệ ở Hà Nội. Mọi người lao ra các quầy bán báo mua Báo Quân đội nhân dân. Nhiều nhà văn lùng sục khắp các quầy báo, nhưng hầu như số báo trong ngày đã hết. Ở Tòa soạn, báo cũng cạn kiệt, chỉ còn báo lưu và báo để trả nhuận bút.

Thế rồi, không kịp để cho tác giả của cuộc hội thảo phải hồi hộp trông đợi, một loạt tiếng nói bảo thủ đồng loạt chụp mũ, rằng: Báo Quân đội nhân dân phủ định sạch trơn thơ ca truyền thống; rằng: hội thảo coi thơ chống Mỹ là giáo điều, đơn điệu, cũ kỹ và khuôn sáo; là giàn đồng ca hô hào và khẩu hiệu, xa rời đời sống nhân dân, thiếu sức sống, vân vân và vân vân. Thậm chí một vài người làm lý luận phê bình từ TP.HCM còn gửi đơn thư ra Tổng cục Chính trị đòi cách chức tôi và Tổng biên tập. Thế là các cơ quan chuyên trách văn nghệ vào cuộc. Thật là “tai bay vạ gió”. Tôi phải mất cả tháng trời bầm dập vì kiểm điểm, vì phải làm việc với hết cơ quan này đến cơ quan khác, cấp trên gọi lên gọi xuống, mệt mỏi vì giải trình và kiểm điểm…

Sau vụ ấy, mọi chuyện rồi cũng nguôi ngoai. Cho đến bây giờ thì không ai bàn cãi gì nữa. Mọi người đều thừa nhận, việc đổi mới và cách tân văn học đã như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Kể lại những kỷ niệm này, tôi chỉ muốn chia sẻ cùng bạn đọc về cái nghề, cái nghiệp của người làm báo hôm nay. Niềm vui cũng nhiều nhưng không ít cay đắng xót xa. Dẫu sao, người làm báo trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiêu hãnh với nghề nghiệp của mình. Họ đằm mình vào cuộc sống nhân dân, hít thở không khí nhân dân. Xung kích trên mọi lĩnh vực mũi nhọn của đời sống. Họ tự hào vì mọi nỗ lực của mình mang lại lợi ích cho đất nước. Họ đi vào cuộc sống để sáng tạo, khám phá những vấn đề mới mẻ; gợi mở và đề xuất những giải pháp hữu ích. Hạnh phúc của họ không gì hơn là được trải lòng trên trang báo và bài báo có sức lan tỏa, được bạn đọc đón nhận.

Trước những biến động phức tạp của đời sống hôm nay, nhà báo hơn bao giờ hết, khao khát đồng hành cùng dân tộc trên từng bước đi của lịch sử; với khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng và văn minh. Chợt nhớ lời dạy của Bác: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người làm báo thấm nhuần tinh thần đó, để xác định nhiệm vụ trên mặt trận kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay.               

Chuyên đề