Sự tự tin này khá tương đồng với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quý II/2016 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, từ giữa năm 2014, bộ máy của Ngân hàng dần đi vào vận hành ổn định, hiệu suất lao động tăng lên, tư tưởng rời bỏ ngân hàng của cán bộ nhân viên giảm đi. “Mọi việc đang dần đi vào quỹ đạo”, ông Khánh khẳng định.
Năm 2016 được Agribank xác định là năm bản lề triển khai chiến lược phát triển kinh doanh 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch tối thiểu 4.000 tỷ đồng, tăng tối thiểu 8% so với năm 2015; thu dịch vụ tăng trưởng tối thiểu 17%; vốn huy động tăng trưởng từ 13-15%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng dư nợ. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng trưởng từ 14 - 18%. Thu hồi nợ đã xử lý rủi ro đạt tối thiểu 7.000 tỷ đồng; nợ xấu duy trì mức dưới 3%, tiến tới mục tiêu dưới 2,5%.
Tài liệu phục vụ ĐHCĐ thường niên năm 2016 của OCB cho biết, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng ngay trong quý II/2016. Trong năm qua, Ngân hàng đã tăng vốn thêm 500 tỷ đồng, thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu.
Sau khi tăng vốn, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả thực hiện năm 2015; huy động vốn đạt 43.093 tỷ đồng, tăng 46%; dư nợ cho vay (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 36.694 tỷ đồng, tăng 25%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 450 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2015.
Sự tự tin của các ngân hàng trong hoạt động cũng thể hiện khá tương đồng trong kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục cải thiện trong quý I/2016 và dự kiến phục hồi bền vững trong quý II và cả năm 2016. Cụ thể, 68,3% ngân hàng nhận định tình hình kinh doanh của đơn vị mình trong quý I/2016 tiếp tục cải thiện hơn so với quý trước.
Hầu hết các ngân hàng đều kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững từ quý II. 92% ngân hàng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015, trong đó có 37,6% số ngân hàng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được “cải thiện nhiều”.
Khởi sắc trong 3 năm
Mặc dù các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn, nhưng mức điều chỉnh không đáng kể và vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015.
Cụ thể, huy động vốn của toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 17,54% trong năm 2016 (kỳ trước kỳ vọng tăng 17,46%); trong đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND luôn được kỳ vọng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ. Dư nợ tín dụng của toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng 20,09% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong 5 năm gần đây…
Đặc biệt, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng trong năm 2016 được nhận định có xu hướng giảm rõ rệt so với năm 2015, trong đó giảm mạnh nhất ở nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế và các tổ chức tín dụng khác. Hầu hết các tổ chức tín dụng nhận định, rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng đang ở mức bình thường (82,7%) và thấp (8,6%), chỉ có 8,6% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro vẫn ở mức cao (tương đương với nhận định trong kỳ điều tra trước).
“Khoảng 80-90% tổ chức tín dụng đánh giá tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng giảm. 91,2% tổ chức tín dụng cho biết, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của họ ở mức dưới 3%, chỉ có một vài tổ chức tín dụng thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính nhận định tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình còn ở mức trên 3%”, Báo cáo của Vụ Dự báo Thống kê nhấn mạnh
Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nhận định: “Với thành quả ấn tượng của ngành ngân hàng đạt được 5 năm qua (2011 - 2015) tạo đà cho kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo (2016 -2020), tôi tin rằng, 3 năm tới, hoạt động của toàn hệ thống sẽ khởi sắc”.