Nâng tầm nền kinh tế, cần vững nguyên lý “kiềng ba chân”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế nước ta đang tăng lên về lượng với dấu ấn năm 2021, GDP danh nghĩa đạt 368 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực và đứng thứ 41 trên thế giới. Tháng 7 năm 2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu sẽ đạt 104.000 tỷ USD vào cuối năm 2022, trong đó GDP Việt Nam đạt 409 tỷ USD, đứng thứ 39 trên thế giới.
Trong ba trụ cột để đạt tới phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế là một điều kiện cần. Ảnh: Song Lê
Trong ba trụ cột để đạt tới phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế là một điều kiện cần. Ảnh: Song Lê

Đây là những con số đáng phấn khởi cho thấy, nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh và cải thiện vị thế trên trường quốc tế, nhưng để tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển bền vững thì không thể xem nhẹ nguyên lý “kiềng ba chân”.

PGS. TS. Lê Quốc Lý

PGS. TS. Lê Quốc Lý

Tháng 5/2021, trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.

Trong ba trụ cột để đạt tới phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường, thì tăng trưởng kinh tế là một điều kiện cần. Chỉ có tăng lên về lượng của kinh tế mới có thể biến đổi về chất của xã hội. Nền kinh tế muốn giàu có trước tiên phải có sự tăng lên mạnh mẽ về lượng, tức là vật chất trong xã hội. Các nền kinh tế như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay các nước công nghiệp mới nổi có bước chuyển từ nghèo nàn sang giàu có nhờ GDP quốc gia tăng trưởng cao trong nhiều năm. Tuy nhiên, nền kinh tế có tăng trưởng cao chưa thể đưa đất nước đến thịnh vượng và bền vững, nếu các mặt về văn hóa - xã hội và môi trường không được bảo vệ và phát triển không phù hợp. Trong nhiều trường hợp, kết quả tăng trưởng cao của nền kinh tế sẽ bị tự hủy hoại và mất đi giá trị vì cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp, môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là rất lớn.

Phát triển bền vững được hiểu một cách đơn giản là phát triển ngày hôm nay không làm tổn hại đến cơ hội phát triển trong tương lai. Phát triển bền vững là phát triển bảo đảm hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây chính là ba trụ cột bảo đảm tính bền vững của một đất nước, được ví như thế trụ vững chãi của “kiềng ba chân”, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ.

Trong trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hàng năm, Việt Nam chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc chữa bệnh, chưa tính đến các chi phí khác để người bệnh có thể khỏe mạnh trở lại. Chi phí này đã làm mất đi khoảng 30 - 40% phần GDP tăng lên hàng năm (khoảng 2 - 2,5% GDP). Hơn nữa, môi trường bị phá hoại, ô nhiễm, đồ ăn độc hại sẽ phá hoại cuộc sống của con người về lâu, về dài không thể đo lường hết được. Nòi giống bị hủy hoại, tỷ lệ người yếu thế tăng lên, gánh nặng trợ cấp xã hội sẽ tăng lên, sức lao động bị giảm sút, hiệu quả kinh tế không cao.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, nhiều năm đạt trên 7% và đà tăng trưởng cao vừa được tái lập trong quý II và quý III/2022. Tăng trưởng GDP đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang tăng lên về lượng. Nếu không đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục thì Việt Nam khó lòng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển trong các dấu mốc năm 2030, năm 2045 thì hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, nền kinh tế phải bứt phá đi lên và vun đắp các nhân tố để giữ vững nội lực trong dài hạn.

Theo đó, vấn đề môi trường cần được quan tâm và có chính sách bảo vệ thiết thực. Theo ước tính của giới chuyên môn, nếu không bảo vệ môi trường thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm có thể lên đến 6 - 7% GDP. Trong bối cảnh này, con số tăng trưởng kinh tế 8 - 9% trở nên không mấy ý nghĩa. Đây là một thách thức không nhỏ nếu đất nước không vận hành theo hướng hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, để Việt Nam đạt được sự phát triển hài hòa ấy, rõ ràng cần rất nhiều giải pháp. Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên, toàn dân vượt khó để xây dựng kinh tế. Động viên tinh thần tự tôn dân tộc, lòng tự hào và tự trọng của mỗi người dân, tạo nên một phong trào mọi người đổi mới, sáng tạo để làm giàu chính đáng. Khơi dậy lòng tự trọng, tự tôn và tự hào của người đảng viên, công chức trong việc nói không với tiêu cực, với cái xấu, cái sai, tiên phong đi đầu trong cái mới, cái tốt để đưa đất nước vươn lên lành mạnh.

Trong mối quan hệ với doanh nhân, cơ chế, chính sách cần tạo điều kiện tối đa để những người có tài, có tâm xả thân công hiến cho sự phát triển của đất nước, đồng thời xây dựng, lan tỏa nền văn hóa nhân ái, trọng đạo nghĩa. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của doanh nhân nói riêng, người dân nói chung về việc cần giữ gìn, phát huy văn hóa làm giàu đi liền với nâng cao đạo đức, tính nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người Việt Nam.

Thực tế, tùy theo đặc thù hoạt động, từng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có những giá trị cốt lõi riêng, không có công thức chung cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm chung nhất cần làm là vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phải xây dựng, vun bồi những nhân tố có khả năng tạo nên sự phát triển bền vững. Sản phẩm, dịch vụ làm ra phải là sự kết tinh của sức lao động, tri thức, sáng tạo và tính hữu dụng tốt nhất để xây dựng thương hiệu, giá trị từ niềm tin mà khách hàng, xã hội trao tặng. Bên cạnh đó, doanh nhân, doanh nghiệp cần nuôi dưỡng và lan tỏa tinh thần học hỏi tinh hoa trí tuệ, kinh nghiệm của nhân loại để vận dụng sáng tạo vào phát triển doanh nghiệp. Thế giới có rất nhiều doanh nhân tỷ USD, rất nhiều tấm gương người giàu chia sẻ, thực hiện trách nhiệm xã hội. Với Việt Nam, lực lượng doanh nhân thành danh còn quá mỏng, nhưng chúng ta có quyền khát vọng, học tập và sáng tạo để vươn lên, khẳng định giá trị cho chính mình và góp sức cho đất nước vững tiến.

Chuyên đề