Đạo đức kinh doanh chính thức trở thành tiêu chí đánh giá doanh nhân tiêu biểu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bắt đầu từ năm 2022, đạo đức kinh doanh chính thức trở thành tiêu chí đánh giá doanh nhân tiêu biểu, bên cạnh tiêu chí đánh giá về năng lực kinh doanh, tinh thần dân tộc…
Dòng người xếp hàng chỉ để mua bánh trung thu cổ truyền trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) cho thấy vai trò quan trọng của niềm tin trong kinh doanh. Ảnh: Trọng Tùng
Dòng người xếp hàng chỉ để mua bánh trung thu cổ truyền trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) cho thấy vai trò quan trọng của niềm tin trong kinh doanh. Ảnh: Trọng Tùng

Việc lan tỏa, truyền cảm hứng và thúc đẩy doanh nghiệp (DN) xây dựng đạo đức kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều vụ việc kinh doanh không liêm chính, không lành mạnh xảy ra gần đây.

Ông Phạm Tấn Công

Ông Phạm Tấn Công

Ông đánh giá thế nào về việc thực hành đạo đức kinh doanh trong cộng đồng DN tại Việt Nam hiện nay?

Việt Nam đang có khoảng 860.000 DN, 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh đang cùng hoạt động. Trong số này, một số DN đã phát triển với tư duy, tầm nhìn dài hạn, nhờ đó đã vươn ra thị trường thế giới, trở thành trụ cột trong các ngành kinh tế, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài. Chẳng hạn, FPT đã thành lập hàng chục chi nhánh ở nước ngoài, có cả ở Mỹ, Nhật Bản; nhiều DN khác (như Tôm Minh Phú, Tân Hiệp Phát, PAN Group…) đã đưa được sản phẩm của mình ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN nước ta còn gặp nhiều khó khăn và chưa được như kỳ vọng. Phát triển DN về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu DN đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Chất lượng DN, doanh nhân và năng lực DN tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân, DN làm ăn phi pháp, buôn bán gian dối, thiếu trách nhiệm xã hội. Bán “tôm bơm tạp chất”, “hai luống rau”, tăng vốn ảo, hay gian dối khi phát hành trái phiếu DN… là những hành vi phá hoại, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng vào cộng đồng DN.

Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có một nguyên nhân do hạn chế về đạo đức kinh doanh. Chưa kể, liên kết của các DN nước ta chưa mạnh, còn tình trạng cạnh tranh để loại bỏ lẫn nhau như bài học cá basa rớt giá… Chưa kể, thể chế, chính sách, văn hóa tiêu dùng và truyền thông chưa tạo được cảm hứng và áp lực cho doanh nhân, DN trong việc xây dựng đạo đức kinh doanh.

Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…, DN của họ có tính liên kết rất mạnh. Trong các đoàn DN đi tìm hiểu thị trường nước ngoài bao giờ cũng có DN nhỏ và vừa đi cùng, thể hiện sự chia sẻ và gắn kết cùng lớn mạnh.

Bàn về đạo đức kinh doanh, thưa ông, việc này có giá trị như thế nào đối với con đường phát triển bền vững cho DN?

Đạo đức kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn với doanh nhân, với cộng đồng DN, với địa phương và quốc gia. Sản phẩm, dịch vụ của DN các nước có văn hoá kinh doanh đã trở thành tiêu chuẩn xã hội như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho DN.

Trong kinh doanh, niềm tin là vàng, là yếu tố tạo nên giá trị thị trường của doanh nhân, DN. Trên trường quốc tế, hình ảnh dòng người rồng rắn xếp hàng chỉ để mua lọ nước hoa, hay túi xách của những thương hiệu nổi tiếng với giá rất cao là chuyện dễ thấy. Tại Việt Nam, mỗi năm cứ đến dịp Trung thu, rất nhiều người sẵn sàng xếp hàng vài tiếng để mua cho bằng được chiếc bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền Bảo Phương trên phố Thụy Khuê (Hà Nội), trong khi trên thị trường có nhan nhản hiệu bánh.

Có được sự ưa chuộng như vậy là do niềm tin đã đạt đến độ đam mê. Ngoài sự tin cậy về chất lượng, còn có tâm lý sở hữu sản phẩm là thể hiện đẳng cấp, những giá trị mà xã hội cộng thêm vào. Để đạt được đến giá trị đó, xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh chính là chìa khóa và đó cũng là cách để DN bước đi bền vững trên thương trường.

Vậy làm thế nào để truyền cảm hứng và lan tỏa việc xây dựng đạo đức kinh doanh tới cộng đồng DN, thưa ông?

Để xây dựng đạo đức kinh doanh quốc gia, cần thống nhất về nhận thức, nghiên cứu về lý luận, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện. Nhưng thực tế, đây là điểm yếu của Việt Nam. Lâu nay, khái niệm và nội hàm về đạo đức kinh doanh vẫn chưa được làm rõ và chưa có sự thống nhất.

Văn hoá kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính, đó là: doanh nhân, DN và cộng đồng DN. Trong 3 chủ thể này, doanh nhân là chủ thể hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá DN và văn hoá kinh doanh quốc gia. Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh, cần bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.

Việc xây dựng đạo đức kinh doanh là cả một quá trình. Muốn doanh nhân xây dựng đạo đức kinh doanh của DN mình, Nhà nước phải quan tâm hỗ trợ. Trước tiên, thể chế chính sách phải lấy người dân và DN làm chủ thể để liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy kinh doanh liêm chính.

Cùng với đó, mọi quyết sách phải kịp thời với tốc độ tương ứng theo nhu cầu và cơ hội của DN. Chính sách chỉ phát huy hiệu quả khi đến đúng lúc DN cần nhất như chiếc phao cứu sinh. Thực tiễn trong gần 3 năm qua cho thấy, việc Chính phủ chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ biện pháp hành chính sang “thích ứng an toàn, linh hoạt” đã hóa giải rất nhiều khó khăn cho cộng đồng DN. DN Việt Nam mặc dù có bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng không nặng nề như DN tại các nước khác. Tôi tin với cách làm như vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp đã và sẽ được thực hiện để định hình đạo đức kinh doanh tại Việt Nam?

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều yêu cầu “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ…”. Do đó, Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII xác định việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 19/5/2022, VCCI ban hành bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân với 6 tiêu chí gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Năm 2022 là năm đầu tiên VCCI lấy tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội làm yêu cầu hàng đầu trong bình xét danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Tấm gương doanh nhân tiêu biểu được vinh danh vừa phải giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững. Đây cũng là tiêu chí đo lường giúp các doanh nhân, DN định hình chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chuyên đề