Chung sức xoay chuyển nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những thách thức ngày càng lớn của bối cảnh kinh tế mới đã và đang buộc doanh nghiệp (DN) phải linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. Để bước đi vững vàng trong thời gian tới, DN mong mỏi những chủ trương hỗ trợ phục hồi, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được đẩy mạnh một cách thiết thực.
Trong khó khăn, thách thức, Vinatex vẫn đạt 982 tỷ đồng lợi nhuận nửa đầu năm 2022, bằng 103% kế hoạch của cả năm. Ảnh: Nhã Chi
Trong khó khăn, thách thức, Vinatex vẫn đạt 982 tỷ đồng lợi nhuận nửa đầu năm 2022, bằng 103% kế hoạch của cả năm. Ảnh: Nhã Chi

Tìm kiếm và linh hoạt tận dụng cơ hội

Là một trong những ngành kinh tế chủ lực, có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, song 2 năm qua, ngành dệt may bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, tổng cầu dệt may giảm trên toàn cầu, cùng với đó là xung đột Nga - Ukraine kéo theo giá xăng dầu, nguyên phụ liệu, lạm phát tăng cao và đáng chú ý là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do Trung Quốc áp dụng chính sách “zero Covid”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong tình thế khó khăn như vậy, Vinatex đã và tiếp tục đổi mới, linh hoạt tận dụng tốt cơ hội tại các thị trường, khách hàng truyền thống, đồng thời, xây dựng thêm các thị trường ngách, thị trường mới có dung lượng đơn hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn khi các thị trường lớn có dấu hiệu “đình lạm”.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành sản xuất sợi, may, vải đã xây dựng và vận hành tốt kênh trao đổi thông tin thị trường, giúp các đơn vị ra quyết định nhanh, nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, từ đó tạo tiền đề hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín…

Nhờ nỗ lực đó, Vinatex đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Doanh thu năm 2021 đạt gần 17 nghìn tỷ đồng (tăng 14,4% so với năm 2020); lợi nhuận đạt hơn 1.456 tỷ đồng, tăng vọt gần 2,5 lần, vượt hơn 108% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu ở mức 10.251 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 982 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch của cả năm.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, câu chuyện vượt khó của Công ty CP Hanpo Vina cũng có những nét tương đồng về tính sáng tạo, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh mới.

Ông Tô Ngọc Phương, Tổng giám đốc Hanpo Vina chia sẻ: “Hanpo Vina duy trì chiến lược đầu tư sản xuất linh kiện nhựa cao cấp phục vụ chuỗi cung ứng cho các sản phẩm điện tử, viễn thông... Chúng tôi cố gắng hết sức tăng cường kết nối với các đối tác, nhận các đơn hàng từ dễ đến khó, qua đó duy trì hoạt động, công ăn việc làm, đồng thời cũng là quá trình tự đào tạo và quyết liệt triển khai cải tiến, tối ưu hóa sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể nhận được sự tin cậy của đối tác”.

Từ phía địa phương, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất, Ban luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động. Đồng thời, phối hợp với các ngành tham mưu với UBND Thành phố ban hành các quyết định phê duyệt hỗ trợ giảm tiền hạ tầng năm 2021 cho 324 DN, với tổng số tiền được hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng. Ban đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 22.350 người lao động.

“Các hoạt động hỗ trợ của Ban cũng như các ngành đã giúp DN, người lao động phần nào giảm bớt khó khăn sau dịch, DN ổn định sản xuất và người lao động yên tâm công tác. Qua khảo sát, nắm tình hình tại các DN trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, nhìn chung trong quý III/2022, các DN hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, ổn định. Cụ thể, khoảng 32% số DN hoạt động tốt, 75% số DN hoạt động ổn định, 7% số DN vẫn còn khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.

Những nỗ lực vượt khó của DN và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng đã đóng góp tích cực cho đà phục hồi kinh tế trong 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại cuộc làm việc với cộng đồng DN tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất để DN kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các DN chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng…

Còn nhiều trở ngại

Giám đốc của Hanpo Vina chia sẻ, các DN công nghiệp hỗ trợ thường là DN trẻ, quy mô nhỏ, công nghệ phần lớn chưa tiên tiến. Việc tiếp cận nguồn vốn vay khó do mới hoạt động, tài sản bảo đảm cho các khoản vay cũng hạn chế. Chính vì vậy, DN muốn phát triển hay đầu tư mở rộng luôn vấp phải bài toán khó trong tìm nguồn lực tài chính.

Với Vinatex, theo ông Cao Hữu Hiếu, mặc dù có những thuận lợi nhất định khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, nhưng ngành dệt may cũng đứng trước những thách thức không nhỏ khi yêu cầu về xuất xứ hàng hóa tại các hiệp định đều được đề cao. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, không tận dụng được ưu đãi từ các FTA thì khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là rất khó khăn.

DN dệt may đã có những nỗ lực nhất định để phát triển nguồn cung tại chỗ, chuyển dịch chuỗi sản xuất dệt may về phía thượng nguồn (sản xuất sợi, vải) để chủ động nguồn nguyên phụ liệu, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, DN dệt may đang phải đối mặt với những khó khăn về chính sách. Đơn cử, nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để gia công thì được miễn thuế nhập khẩu, nhưng nếu nhập nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu thì vừa phải nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu loại nguyên liệu đó, bao giờ hàng xuất khẩu đi mới được hoàn thuế. Điều này khiến DN phải bỏ ra thêm trung bình 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Nhiều DN cho rằng, bên cạnh nỗ lực của chính mình, Chính phủ cần triển khai mạnh hơn các chính sách hỗ trợ để DN duy trì đà phục hồi, trụ vững và phát triển trong thời gian tới.

Đại diện Vinatex kiến nghị, cần có giải pháp giải quyết hoàn thuế VAT nhanh nhất có thể với các nguồn nguyên liệu mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Về nguồn vốn, đối với những ngành hàng vẫn có đơn hàng thì hạn mức tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để DN có thể duy trì sản xuất kinh doanh... Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý dựa trên thực tế kinh doanh hiện nay của chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp hạn mức tín dụng lưu động đảm bảo sản xuất.

Theo ông Tô Ngọc Phương, cần có chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ về tiếp cận vốn vay, lãi suất, thuế, thủ tục giấy tờ cùng với chính sách khuyến khích DN FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, từ đó tạo ra sự liên kết và cộng sinh giữa DN lớn nước ngoài và chuỗi cung ứng nội địa là các DN Việt Nam.

Từ góc độ khác, ông Phạm Trường Sơn đề xuất, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm chuyển đổi số đối với các thủ tục có liên quan đến sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh việc áp dụng giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, tăng số dịch vụ công mức độ 4, bởi việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho DN được vay vốn lãi suất thấp để ổn định sản xuất, gia hạn các khoản nợ đến hạn tại ngân hàng để giảm áp lực cho DN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư