Để “hạt mầm” kinh doanh nở hoa nơi cộng đồng người yếu thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Anh Phạm Việt Hoài, Giám đốc Công ty CP Kym Việt - doanh nghiệp của những người câm điếc bẩm sinh chia vui với Báo Đấu thầu về việc vừa giao xong 700 sản phẩm “Con hổ” cho BIDV làm quà tặng. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ cũng vừa đặt 800 sản phẩm chuẩn bị cho đại hội… 
Tám nhóm yếu thế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ với mục tiêu tạo một điểm tựa cho những khát vọng thay đổi số phận. Ảnh: LTT
Tám nhóm yếu thế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ với mục tiêu tạo một điểm tựa cho những khát vọng thay đổi số phận. Ảnh: LTT

Đại dịch Covid-19 đi qua, một số đơn hàng lớn bắt đầu trở lại với Kym Việt - doanh nghiệp nằm trong 8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bảo trợ. Tín hiệu vui từ các đơn hàng khiến doanh nhân đặc biệt Phạm Việt Hoài mong mỏi, Công ty anh sẽ có thêm nguồn lực mới, để khát vọng khởi nghiệp của người yếu thế được nâng đỡ và vươn xa…

“Mảnh ghép yếu” trong xã hội

Hệ lụy từ chiến tranh và những vấn đề xã hội (ô nhiễm môi trường, tai nạn, thức ăn độc hại…) khiến số người khuyết tật không ngừng tăng lên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, nước ta có khoảng 28 triệu người thuộc diện yếu thế, trong đó số người khuyết tật chiếm tới 9% dân số. Phạm Việt Hoài là một trong số hàng triệu người khuyết tật Việt Nam, nhưng không chịu khuất phục số phận. Vài năm trước, anh cùng một số cộng sự quyết tâm lập nghiệp, với mong muốn tạo việc làm cho chính mình và giúp đỡ người yếu thế như mình. Kym Việt ra đời, nhận lao động là người câm điếc và chọn giao tiếp với thương trường bằng việc làm các sản phẩm thủ công sáng tạo từ đôi bàn tay của những người chỉ sống trong thế giới tĩnh lặng… Với tâm niệm “Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng không tạo ra những sản phẩm khuyết tật”, Kym Việt lấy sự độc đáo, thân thiện và chất lượng cao nhất làm tiêu chí sản phẩm. Hiểu được tinh thần và nỗ lực vươn lên ấy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đồng hành và chọn một cách động viên đặc biệt, đó là dùng sản phẩm của Kym Việt làm quà tặng, nhằm lan tỏa tình thân, ý chí và tài năng của người Việt đến bạn bè, đối tác quốc tế.

Kym Việt là một trong 8 nhóm yếu thế được Bộ KH&ĐT bảo trợ, với mục tiêu tạo một điểm tựa cho những khát vọng thay đổi số phận. Nếu Kym Việt là điểm đến của những người câm điếc, thì Hợp tác xã Vụn Art của Lê Viết Cường lại tạo cơ hội cho người tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Vụn Art dạy nghề để làm ra những sản phẩm như tranh ghép, túi vải, áo phông, áo dài ghép lụa… Hỏi về cái gốc ra đời Vụn Art, Cường kể, ngay khi ý tưởng hình thành, Cường đã mạnh dạn xin ý kiến Bộ KH&ĐT. Nhận được những góp ý, động viên từ lãnh đạo Bộ, Vụn Art quyết tâm “chào đời” và từng bước tập hợp, tạo việc làm cho những người đứng bên lề cuộc sống.

Trong khóa đào tạo bồi dưỡng năng lực kinh doanh cho người khuyết tật được Bộ KH&ĐT tổ chức đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thúc đẩy người yếu thế đặt niềm tin vào chính mình bằng chia sẻ: “Người bình thường làm 2 phần, thì mình làm 1 phần. Sợ nhất là không dám làm, có ý tưởng tốt mà không dám triển khai”. Cũng theo Bộ trưởng, Đảng và Nhà nước luôn coi người dân là động lực, mục tiêu của sự phát triển, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều vì mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong nhân dân, người kém may mắn là cộng đồng người khuyết tật. Theo đó, những nỗ lực vươn lên của các chủ thể này là rất đáng quý, đáng trân trọng, đáng được lan tỏa và sẻ chia. Trong nhiều năm qua, Bộ KH&ĐT đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các nhóm khuyết tật, thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của Bộ. Việc này đã mở ra một hướng tiếp cận mới, làm thay đổi sâu sắc tư duy và nhận thức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng chính sách. Làm thế nào để mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, vì chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững cho mọi chủ thể, theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam…

Người khuyết tật cần lắm những cộng lực để hạt mầm kinh doanh nở hoa…

Thêm sức mạnh để trụ vững và vươn lên

Trong bản đề xuất Dự án phát triển kinh doanh gửi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới đây, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc - nhóm của gần 40 thành viên khuyết tật Hà Nội - viết: “Việc làm, với người bình thường đã rất quan trọng. Với người khuyết tật còn quan trọng và đặc biệt hơn rất nhiều. Việc làm không chỉ giúp tạo nên thu nhập, mà còn giúp người khuyết tật tự tin vươn lên, hòa nhập xã hội, được kết bạn, được yêu thương, được xây dựng gia đình hạnh phúc…”. Trong góc nhìn của Thuần, người khuyết tật, nhất là ở khu vực nông thôn nhiều lắm và họ phù hợp với những công việc như trồng trọt, chăn nuôi vi sinh, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp… Đi qua khó khăn Covid-19, Tâm Ngọc mong đợi nhận được nhiều hơn sự trợ giúp của Bộ KH&ĐT, của xã hội để Hợp tác xã tiêu thụ được 3 sản phẩm cốt lõi (Liên Hoa trà, Như Hoa trà, Cà gai leo trà), đồng thời mở rộng trung tâm dạy nghề cho người yếu thế.

Tuy nhiên, Kym Việt có gì? Vụn Art, Tâm Ngọc và các nhóm yếu thế có gì khi tất cả đều chung một hoàn cảnh: mới khởi sự kinh doanh lại phải trải qua 2 năm Covid-19? Họ có ý chí, có năng lực sáng tạo và đã nhìn thấy con đường, nhưng thiếu nguồn lực để trụ vững và mở rộng hoạt động. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Lê Viết Cường kể, doanh thu trong 2 năm qua sụt giảm 95%, khiến người lao động của Vụn Art quá khó khăn. Cường phải tạm dùng nguồn thu thuế VAT của khách hàng để lo bữa ăn cho các cộng sự. Trong công văn vừa gửi Chi cục Thuế Hà Đông xin nợ thuế, Cường hứa, khi doanh thu ổn định trở lại, Vụn Art sẽ nộp thuế đầy đủ… Khó khăn của Vụn Art cũng là nỗi vất vả chung của các nhóm yếu thế khởi nghiệp, dù trong họ luôn dạt dào khát vọng được trụ lại và vươn lên trên thương trường…

Thêm một số đơn hàng mới khiến nụ cười của doanh nhân Phạm Việt Hoài rạng rỡ hơn, nhưng anh cũng không giấu nỗi niềm riêng khi chia sẻ, Công ty đang nợ bảo hiểm, nợ lương người lao động. “Điều tôi mong nhất lúc này là Kym Việt nhận được sự trợ giúp về tài chính để có thể hoàn tất các nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động, tạo một niềm tin mới giúp chúng tôi đón được các cơ hội kinh doanh đang mở ra”, anh Hoài nói.

Đồng cảm với những khó khăn của một lớp doanh nhân đặc biệt đang nỗ lực bước đi trên thương trường, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đã khích lệ các nhóm yếu thế làm đề án mở rộng kinh doanh và nếu các ý tưởng khả thi, Bộ trưởng cùng Công đoàn Bộ sẽ góp từ 50 - 100 triệu đồng/dự án để tiếp thêm niềm tin, thêm sức mạnh cho các chủ thể này. Ý tưởng vừa khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cả 8 nhóm yếu thế và ít nhất có 5 nhóm gồm Kym Việt, Vụn Art, Tâm Ngọc, Thương Thương Handmade, Thành Nguyễn đang làm dự án để đề xuất nhận khoản vốn góp. Trong tâm ý chung của người khuyết tật, việc có Bộ KH&ĐT đồng hành không chỉ góp cho họ thêm nguồn lực, mà còn góp cả niềm tin và sức mạnh từ ý chí trên con đường họ mong ước tạo giá trị mới và vươn lên.

Người khuyết tật cần lắm những cộng lực để hạt mầm kinh doanh nở hoa…

Chuyên đề