Nhà thầu Việt và hoài bão vươn ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều công trình lớn đã và đang được xây dựng bằng bàn tay, trí tuệ, bản lĩnh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, không ít DN xây dựng nuôi dưỡng hoài bão vươn ra thị trường quốc tế, xây nhà cho thế giới, để vừa mang đến lợi ích cho DN, vừa đóng góp nhiều hơn cho đất nước...
Nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn của Việt Nam có thể đảm nhiệm phát triển dự án quy mô lớn, với chất lượng không thua kém các tập đoàn xây dựng nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn của Việt Nam có thể đảm nhiệm phát triển dự án quy mô lớn, với chất lượng không thua kém các tập đoàn xây dựng nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Bản lĩnh doanh nghiệp Việt trên những công trình lớn

Tháng 12/2012, Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) được khánh thành, là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hoàn toàn được xây dựng bởi bàn tay và khối óc của những kỹ sư, công nhân xây dựng thủy điện Việt Nam, với tốc độ thi công nhanh, rút ngắn tiến độ 3 năm so với thời hạn được giao tại Nghị quyết Quốc hội.

Tháng 11/2021, hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng với chiều dài hầm 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) được hoàn thành, trở thành công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, cũng do nhà đầu tư, nhà thầu Việt thiết kế, thi công, vận hành. Với công nghệ đổi mới, Dự án hầm Hải Vân 2 hoàn thành chỉ sau 3 năm thi công. Trước đó, thời gian hoàn thành hầm Hải Vân 1 là 5 năm, do một tập đoàn đào hầm hàng đầu của Nhật Bản thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành hầm Hải Vân 2, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, đây là công trình lớn, có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, khẳng định năng lực của DN Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế…

Nhiều tuyến đường cao tốc đã hoàn thành như Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận... đều do nhà thầu, nhà đầu tư Việt Nam xây dựng.

Đó là những minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của DN Việt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), DN Việt đến nay đã có sự phát triển mạnh về năng lực thi công, công nghệ, đặc biệt là năng lực quản lý, quản trị. DN Việt có thể đảm nhận vai trò nhà thầu chính, nhà đầu tư đường cao tốc - các công trình giao thông cấp đặc biệt, các công trình hầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp…

Trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, DN Việt cũng đã và đang có sự phát triển vượt bậc. Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong TOP những tòa nhà cao nhất thế giới - do chính tay người Việt làm nên với chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup cùng tổng thầu là Công ty CP Xây dựng Coteccons. Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast được chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup, tổng thầu Coteccons hoàn thành chỉ sau 21 tháng xây dựng, trong khi nhiều nước trên thế giới thường mất từ 3 - 5 năm.

Sau khi những tên tuổi lớn như Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thực hiện Dự án Saigon Center, Coteccons làm Landmark 81, nhà thầu nước ngoài dần vắng bóng trên thị trường xây dựng trong nước.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, 20 năm trở lại đây, ngành xây dựng Việt Nam đã bắt kịp nhịp độ và vượt qua nhiều quốc gia khác. Sự học hỏi và vươn lên đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, giúp nhà thầu trong nước dần thay thế nhà thầu ngoại ở các tòa nhà quy mô lớn, hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao. Hiện nay, các DN xây dựng lớn của Việt Nam có thể đảm nhiệm phát triển dự án quy mô lớn với chất lượng không thua kém các tập đoàn xây dựng nước ngoài với giá cả cạnh tranh.

Hoài bão vươn ra thế giới

Trong những DN xây dựng ấp ủ hoài bão tiến ra thị trường thế giới, nhà thầu xây dựng dân dụng được đánh giá là có nhiều tiềm năng, cơ hội cạnh tranh với nhà thầu quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, trình độ về công nghệ, thiết bị, năng lực, quản lý, kỹ thuật thi công của DN xây dựng lớn Việt Nam đến nay đã đạt TOP đầu của khu vực, không thua kém Singapore, Malaysia. Nhiều DN đã tính đến việc vươn ra thị trường nước ngoài, vừa để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, vừa để phát triển hơn, bắt kịp công nghệ mới. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm, đơn giá xây dựng công trình đầu tư công không hấp dẫn; lao động ở nước ngoài khan hiếm hơn Việt Nam, việc nhận thầu công trình xây dựng, đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kết hợp với lao động nước sở tại sẽ có hiệu quả cao.

Theo ông Hiệp, các DN lớn như Hòa Bình, Vinaconex và một số DN tầm trung bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở châu Âu, chứ không chỉ ở Trung Đông. Hiệp hội cũng hỗ trợ thông tin, liên lạc giúp DN thành viên có cơ hội tiếp cận.

Tuy nhiên, để thực hiện quản lý xây dựng, từ an toàn, kỹ thuật, trang thiết bị, tiến độ đến mua sắm vật tư, vật liệu…, theo ông Hiệp, trình độ quản lý của cán bộ phải được nâng lên. Doanh nghiệp phải nghiên cứu thật chắc luật pháp của nước sở tại để tránh rủi ro. Trong quá trình làm hợp đồng phải rất hiểu hợp đồng quốc tế, ví dụ như hợp đồng FIDIC (do Hiệp hội Các kỹ sư tư vấn quốc tế biên soạn) quy định như thế nào về thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán ở nước sở tại, giấy tờ cần thiết, dòng tiền chuyển đi chuyển về quản lý như thế nào, thuế ra sao… Nếu không biết quản lý, không thanh toán đúng thời hạn thì có thể xảy ra rủi ro tranh chấp hợp đồng, phải ra tòa án quốc tế rất phức tạp.

Về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN xây dựng Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, theo ông Hiệp, hiện chưa có chính sách cụ thể với xuất khẩu xây dựng, nhà thầu xây dựng nhận thầu tại nước ngoài.

Nuôi dưỡng khát vọng xuất khẩu xây dựng ra thế giới, ông Lê Viết Hải từng nhiều lần chia sẻ, Việt Nam không thiếu kiến trúc sư giỏi hay DN cung cấp vật liệu xây dựng, nhà thầu có năng lực cạnh tranh. Mấu chốt để tiến ra thị trường nước ngoài nằm ở việc phải kết hợp các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng, từ sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, thiết kế xây dựng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển, dịch vụ thầu phụ chuyên ngành, nhằm xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng hoàn thiện từ đầu đến cuối với hàm lượng chất xám, giá trị lớn, đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Ông Hải cho rằng, ngành xây dựng cần triển khai khẩn trương và quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu này, bởi Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng và chỉ còn khoảng 10 năm ở cơ cấu dân số này, cần tranh thủ để bứt phá. Nếu có chiến lược quốc gia trong việc phát triển ngành xây dựng Việt Nam ra toàn cầu với các giải pháp phù hợp, thiết thực, chắc chắn ngành xây dựng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại các hội thảo, tọa đàm, ông Hải đề xuất nhiều giải pháp như cần một cơ quan chuyên trách trong nước kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi, qua đó cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ DN xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này. Khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản cho phép DN xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác ở nước sở tại. DN xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại, có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với DN Việt…

Một số ý kiến khác nhấn mạnh, cần có chính sách phù hợp để phát triển DN xây dựng theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác, từ đó hình thành những nhà thầu có trình độ chuyên môn sâu, có đẳng cấp quốc tế trong một loại công trình, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho nhà thầu Việt. Bên cạnh đó, các chủ DN xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu, khát vọng khẳng định, nâng tầm thương hiệu nhà thầu Việt Nam trên thị trường quốc tế; cải thiện chất lượng, trau dồi kỹ năng ngoại giao, ngoại ngữ, học hỏi, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới công nghệ…

Chuyên đề