Mua sắm thiết bị giáo dục phổ thông: Chậm trễ do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành từ năm 2018 (gọi tắt là Chương trình GDPT 2018), năm học 2022 - 2023 là thời điểm triển khai mua sắm bổ sung, thay thế danh mục các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Tuy nhiên, hơn một kỳ học đã trôi qua, không nhiều cơ sở giáo dục công lập hoàn thành đấu thầu mua sắm các danh mục thiết bị này. Vậy, tình trạng chậm trễ do đâu?
Nhiều thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 và lớp 10 thuộc danh mục sản phẩm mới chưa phổ biến, có sẵn trên thị trường, nên việc thẩm định giá gặp khó khăn. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 và lớp 10 thuộc danh mục sản phẩm mới chưa phổ biến, có sẵn trên thị trường, nên việc thẩm định giá gặp khó khăn. Ảnh: Nhã Chi

Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn ghi nhận, một trong những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ trong hoạt động đấu thầu trên địa bàn năm vừa qua tập trung ở lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, đối với thiết bị tối thiểu lớp 3, lớp 7, lớp 10 phục vụ dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, đây là những danh mục mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, nên việc thẩm định giá gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Sở Tài chính đã thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá từ tháng 5/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Lý do là rất nhiều danh mục sản phẩm mới chưa phổ biến, có sẵn trên thị trường, nên việc thu thập dữ liệu để so sánh giá thẩm định rất hạn chế, dẫn đến chưa có cơ sở để tổ chức đấu thầu.

Các cơ sở giáo dục tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ghi nhận thực trạng tương tự. Báo cáo từ một số địa phương trên địa bàn Tỉnh cho thấy, việc chậm trễ xuất phát từ vướng mắc trong quy trình thẩm định giá. Bởi lẽ, số đơn vị thẩm định giá nằm trong danh sách công bố trên cổng thông tin của Bộ Tài chính có giới hạn. Trong khi đó, khi thực hiện thẩm định giá, một số đơn vị không có đầy đủ danh mục thiết bị theo yêu cầu, dẫn đến các cơ sở có nhu cầu lại phải mời đơn vị khác. Việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Chia sẻ thêm với phóng viên, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Châu Đức cho biết, các đơn vị trên địa bàn đang thực hiện đấu thầu chậm hơn so với dự kiến. Lý do chủ yếu là trước đó, thiết bị dạy học tối thiểu các cấp được triển khai theo thông tư cũ, khi Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực, thì nhiều danh mục thiết bị có sự thay đổi, dẫn đến các công tác liên quan bị kéo dài thời gian. “Đối với danh mục thiết bị lớp 3, lớp 7 và lớp 10, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ để tổ chức mời thầu trong quý II”, vị lãnh đạo cho hay.

Vướng mắc trong khâu thẩm định giá làm chậm tiến độ mua sắm thiết bị giáo dục tại địa phương. Ảnh: Nhã Chi

Vướng mắc trong khâu thẩm định giá làm chậm tiến độ mua sắm thiết bị giáo dục tại địa phương. Ảnh: Nhã Chi

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018 gặp khó khăn bởi một số nguyên nhân. Trước hết là việc khó lấy báo giá trang thiết bị dạy học, vì hiện nay trên địa bàn Tỉnh, chưa đơn vị nào có thể cung cấp đầy đủ báo giá.

Bên cạnh đó, nhiều vụ án trong đấu thầu trang thiết bị giáo dục bị khởi tố thời gian vừa qua cũng khiến không ít đơn vị thẩm định giá có tâm lý thận trọng, làm tiến trình mua sắm trang thiết bị chậm lại.

Theo góc nhìn của một nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị học đường, khi chuyển tiếp các quy định pháp luật, nhiều đơn vị sản xuất chưa bắt kịp và đưa ra thị trường các sản phẩm, thiết bị mới. Ngoài ra, đối với một số danh mục thiết bị môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), trên thị trường Việt Nam hiện có rất ít nhà sản xuất, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Singapore..., gây khó cho việc thu thập dữ liệu thẩm định.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc “trễ hẹn” mua sắm khiến các cơ sở giáo dục tại địa phương phải tự mình tìm giải pháp khắc phục dựa trên việc khai thác tối đa trang thiết bị hiện có, đồng thời phát huy vai trò của thực hành số.

Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành kho dữ liệu về giá trang thiết bị dạy học tối thiểu cũng như giá thiết bị dạy học khác. Đồng thời, có cơ chế đặc thù trong mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho ngành giáo dục, để bảo đảm mua sắm trang thiết bị kịp thời ngay từ đầu năm học.

Ý kiến từ một bên mời thầu tại TP.HCM đề xuất sớm ban hành các văn bản quy định liên ngành hướng dẫn chi tiết hơn khung áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng danh mục sản phẩm/lĩnh vực mua sắm. Đây sẽ là cơ sở, căn cứ pháp lý để đơn vị thẩm định giá xây dựng được chứng thư thẩm định giá sát nhu cầu thực tế, bảo đảm chất lượng hàng hóa, thúc đẩy tiến trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục nói riêng, mua sắm hàng hóa nói chung.

Dữ liệu tổng hợp của Báo Đấu thầu ghi nhận, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có một số địa phương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7, lớp 10 như: Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình; Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận; Phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu (Sơn La); Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ (Lai Châu); Phòng GD&ĐT TP. Hội An (Quảng Nam)...

Chuyên đề