Lưu ý rủi ro tiềm ẩn với nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để ứng phó với tác động từ Covid-19, những chính sách tiền tệ và tài khóa đã được triển khai và mang lại kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế năm nay. Tuy nhiên, một số rủi ro cần được đặc biệt lưu ý để kinh tế Việt Nam có đủ nguồn lực đi đường dài.
Nếu bệnh dịch còn tiếp diễn, việc tìm nguồn lực thúc đẩy đầu tư công cho năm 2021 sẽ rất khó khăn. Ảnh: Tường Lâm
Nếu bệnh dịch còn tiếp diễn, việc tìm nguồn lực thúc đẩy đầu tư công cho năm 2021 sẽ rất khó khăn. Ảnh: Tường Lâm

Dư địa của nhiều chính sách dần hạn hẹp

Tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết, các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia. Những chính sách ứng phó với Covid-19 về dài hạn có thể để lại những hệ quả, khó khăn.

Đối với Việt Nam, ông Phạm Thế Anh cho rằng chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít có hiệu quả. Tính từ đầu năm tới hết tháng 9/2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai. Nhưng khi dịch bệnh còn tồn tại, nhu cầu vay của một số ngành sẽ biến mất, dù lãi suất giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó lại khiến người dân rút tiền gửi để đầu tư vào các kênh tài sản, rủi ro tạo ra các bong bóng tài sản. Theo ông Phạm Thế Anh, dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, nhưng việc tính toán dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ.

Về chính sách tài khóa, Kinh tế trưởng của VEPR chỉ ra rủi ro về nguồn lực cho đầu tư công. Năm 2020, do vốn đầu tư công các năm trước không giải ngân hết nên đã có thêm một nguồn lực rất lớn cho đầu tư công. Tuy nhiên, năm nay thu ngân sách giảm, nếu bệnh dịch còn tiếp diễn thì năm 2021 sẽ rất khó khăn trong tìm nguồn lực thúc đẩy đầu tư công.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lưu ý về áp lực lạm phát trong năm sau sẽ rất lớn do phục hồi kinh tế tốt hơn; giá dầu có thể bật tăng trở lại dù chưa bằng mức trước dịch, nhưng cũng sẽ cao hơn rất nhiều; lượng cung tiền ra nền kinh tế lớn…

Ông Phạm Thế Anh cũng lưu ý, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là điều hành tỷ giá. Song song với đó, thông qua ngoại giao để lập luận về mức dự trữ ngoại hối an toàn của Việt Nam. Việt Nam là nền kinh tế rất mở, tổng giá trị xuất nhập khẩu tới 200% GDP, vì thế tính toán mức dự trữ ngoại hối an toàn căn cứ vào độ mở của nền kinh tế.

Chính sách cần tập trung

VEPR dự báo, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020 với giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực đến hết năm. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn.

Nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Theo VEPR, các chính sách an sinh xã hội, ổn định vĩ mô vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng. Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân cũng là một trong những ưu tiên. Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cần tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên thông qua tinh giản bộ máy...

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất, tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19.

Chuyên đề