Bối cảnh đặc biệt, cần chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục làm thay đổi kế hoạch và mục tiêu kinh tế trong nhiều năm tiếp theo. Trong bối cảnh mới, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải tăng chi tiêu của Chính phủ, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, cứu doanh nghiệp. Để làm được điều này, các quy tắc tài khóa, điều hành của Chính phủ cần cơ chế mới để có sự linh hoạt trong một khoảng thời gian nhất định.
Chi tiêu của Chính phủ được nhiều chuyên gia đề cập như một trong những động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên
Chi tiêu của Chính phủ được nhiều chuyên gia đề cập như một trong những động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên

Tác động có thể kéo dài tới 2024

Năm 2020, đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ luồng đầu tư, đứt gãy chuỗi thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến chỉ đạt khoảng 2%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Kết quả này không những ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế năm 2020 mà còn làm thay đổi kế hoạch và mục tiêu kinh tế trong những năm sắp tới.

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), triển vọng kinh tế năm 2021 của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi các thị trường đối tác lớn của Việt Nam - hiện đang có một vài tín hiệu khả quan hơn. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể là nhân tố giúp kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn sau dịch Covid-19. Uy tín quốc tế của Việt Nam được cải thiện nhờ những thành công trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, nhờ đó tăng sức sức hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế, mở rộng cơ hội đón dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, những biến động khó lường của Covid-19 sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế của các nước đối tác chứa nhiều rủi ro. Trong khi đó, sức khỏe của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ là những rủi ro và thách thức mà kinh tế Việt Nam phải tiếp tục đối mặt, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Thời gian qua, NCIF thực hiện khảo sát các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 từ các chuyên gia và tổ chức. Các chuyên gia độc lập tham gia khảo sát cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 chỉ khoảng 5,5 - 6% và một số chuyên gia cho rằng dưới 5,5%. Các hiệp hội/tổ chức khoa học và tổ chức quốc tế nhận định, tăng trưởng của Việt Nam ở mức dưới 5,5%. Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, ngay cả khi có vacxin, thì những tác động của Covid-19 phải tới năm 2024 mới chấm dứt.

Theo quan điểm của NCIF, nếu các chính sách và nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 đạt hiệu quả, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,11% (kịch bản thấp); 6,77% (kịch bản cơ sở) và 7,14% (kịch bản cao).

Động lực nào cho tăng trưởng?

Nhìn vào các “bệ đỡ” của nền kinh tế trong năm 2020 trước biến cố Covid-19, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng khi giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm. Vấn đề đặt ra là phải duy trì và quan trọng là tăng đầu tư cho nông nghiệp để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.

Để các gói hỗ trợ dành cho DN hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia UNDP, không thể cứu DN một cách tràn lan, mà các gói hỗ trợ của Chính phủ phải dành cho các DN bị tác động bởi Covid-19. Để chính sách đến đúng đối tượng, ông Phong cho rằng, gói hỗ trợ không cần đến từ nguồn ngân sách, mà phải xuất phát từ các ngân hàng, bởi các ngân hàng biết rõ DN nào vì Covid-19 mà lao đao, DN nào không.

Chi tiêu của Chính phủ cũng được nhiều chuyên gia đề cập như một trong những động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 khi không thể kỳ vọng vào đầu tư từ khu vực FDI và tư nhân ở thời điểm ngắn hạn. TS. Nguyễn Tiên Phong nhấn mạnh, Chính phủ cần chi tiêu ngược chu kỳ, tức là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phải tăng chi tiêu để đảm bảo tăng trưởng, đảm bảo cân đối vĩ mô. Các quy tắc tài khóa cần có sự linh hoạt trong khoảng thời gian nhất định, bởi trong bối cảnh đặc thù thì phải có các chính sách đặc thù, nếu vẫn triển khai các giải pháp như trong giai đoạn bình thường thì sẽ không phù hợp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị trong bối cảnh mới. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số của Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tốt khi Covid-19 là cú hích mạnh và đây cũng chính là sự chuẩn bị hạ tầng cho tương lai.

TS. Nguyễn Hải Nam, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, thế giới sẽ chỉ như hiện tại và tốt hơn trong năm 2021 và các năm tiếp theo vì Covid-19 sẽ tác động ngày càng ít đi. Việc cần làm là chuẩn bị tốt, tập trung để đón bắt cơ hội ngay khi thị trường hồi phục. Do đó, mục tiêu chính sách để phục hồi sau Covid-19 sẽ phải tập trung vào phát triển thị trường và DN trong nước. Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, vấn đề là Việt Nam sẽ bước qua đại dịch này với tâm thế như thế nào, phải cố gắng phấn đấu bước ra với trạng thái vững bước.

Chuyên đề