Nền kinh tế đang phục hồi, kiên quyết không lùi bước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 5 - tháng đầu tiên sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nền kinh tế bước vào trạng thái “bình thường mới” - đã có những tín hiệu tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững. Tuy nhiên, khó khăn đối với doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn còn chồng chất, đòi hỏi cần tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh mẽ, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành.
Kinh tế trong nước cần tận dụng cơ hội để vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế trong nước cần tận dụng cơ hội để vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển động tích cực nhưng khó khăn còn rất lớn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Phiên họp Chính phủ tháng 5 diễn ra ngày 2/6/2020, trong tháng 5, các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với tháng trước. Tình hình đăng ký doanh nghiệp được cải thiện hơn so với tháng 4, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn nắm bắt cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như áp lực về tăng chỉ số giá (đặc biệt trong bối cảnh giá thịt lợn chưa giảm, giá dầu có tín hiệu phục hồi); các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thương mại vẫn còn tồn tại. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm trước tăng 10,9%). Một số sản phẩm chủ lực giảm sâu như sản xuất ô tô, dầu thô khai thác, vải dệt từ sợi nhân tạo. Khu vực dịch vụ từng bước khôi phục sau giãn cách xã hội, nhưng chưa thực sự sôi động. Xuất, nhập khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Thu ngân sách nhà nước đạt thấp, 5 tháng ước đạt 577 nghìn tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với doanh nghiệp còn rất lớn…

Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2020 theo nhiều dự báo là vô cùng khó khăn. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3,4 - 5,7%, thấp hơn rất nhiều mức đáy của cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 (âm 1,7%). Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, thương mại toàn cầu có thể giảm 1/3 trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch, và thế giới có thể bước vào cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất trong lịch sử. 

Thực hiện hiệu quả các giải pháp đã ban hành

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân. Gần đây nhất, ngày 29/5/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết đã ban hành. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến phức tạp của đại dịch, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch. Chủ động nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các kịch bản để sẵn sàng chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với diễn biến mới, tác động của đại dịch Covid-19, sự suy giảm của những quốc gia là đối tác thương mại - đầu tư chủ yếu của Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Từ đó, kịp thời đề xuất giải pháp chính xác nhằm duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội rất quan trọng để vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ, lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế vì cung - cầu của nền kinh tế đều yếu do dịch Covid-19.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các giải pháp đã ban hành rất quyết liệt, đột phá, quan trọng nhất là cần triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả ngay. Khâu thực thi phải được đặc biệt quan tâm, để chính sách kịp thời, đúng, trúng mục tiêu, tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ cần luôn có kịch bản dịch Covid-19 xảy ra lần thứ hai; triển khai các gói hỗ trợ một cách hiệu quả; phát huy các động lực tăng trưởng mới bù đắp cho thiếu hụt do Covid-19 gây ra trong năm nay. Những động lực đó, theo ông Cấn Văn Lực, là kinh tế tư nhân, thu hút FDI, kích cầu nội địa, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, và trụ cột rất quan trọng là cải cách thủ tục hành chính vì có tác động rất lớn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì nhấn mạnh vai trò của kinh tế số, đẩy mạnh số hóa như yếu tố sống còn của doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động kiến tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh mới mà thực tế đòi hỏi, ví dụ như kinh tế ban đêm, cho vay ngang hàng…

Nhiều doanh nghiệp mong muốn bên cạnh các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do Covid-19, rất cần có thêm hỗ trợ tiếp cận vốn phục hồi sản xuất, vì thời điểm này khó tiếp cận vốn ngân hàng do hồ sơ kết quả kinh doanh không thuận lợi, các phương án, dự án đưa ra khó khả thi…

Chuyên đề