Cần chú trọng nhu cầu của thị trường trong nước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên |
Hơn một phần ba thời gian của năm 2020 đã trôi qua, ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay?
Với mọi nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh để có thể nhanh chóng quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ đã rà soát lại kế hoạch tăng trưởng để có những giải pháp phù hợp và sát với thực tiễn, trên tinh thần để các đơn vị/thành phần kinh tế nhận thức được những khó khăn, các cơ quan quản lý điều tiết kế hoạch và hành động sát thực tế. Vấn đề mấu chốt là cần có nhận thức đúng, kế hoạch hành động nhanh và kịp thời, để tất cả các bộ phận trong nền kinh tế “không bị tổn thương sâu”, như vậy mới có thể “vực dậy” nhanh sau dịch.
2 kịch bản Chính phủ đưa ra đều giả định Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch từ cuối tháng 4/2020. Riêng kịch bản 1, các quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam được giả định sẽ kiểm soát dịch trong quý III/2020, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 4,4% - 5,2%. Và kịch bản 2, tình huống xấu hơn, với thời gian kiểm soát dịch của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam kéo dài đến quý IV/2020, thì GDP dự kiến tăng 3,6% - 4,4%.
Nếu tăng trưởng GDP đạt 3,6% - 4,4%, theo tôi cũng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Con số cụ thể rất khó nói tại thời điểm này, vì dịch vẫn đang tiếp tục lan rộng, thị trường tài chính thế giới diễn biến khó lường, kinh tế các quốc gia đối tác của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và còn nhiều thay đổi sau dịch. Điều quan trọng nhất với Việt Nam hiện nay vẫn là tránh để “tái dịch”.
Các cơ chế, giải pháp Chính phủ đang đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua tập trung vào hai mục tiêu chính. Một là tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Hai là đẩy mạnh đầu tư của Nhà nước nhằm thúc đẩy hồi phục, kích thích phát triển kinh tế sau dịch.
Đây đều là các mục tiêu cấp bách đòi hỏi cần có các giải pháp ưu tiên và cơ chế linh hoạt, đặc thù. Hơn nữa, trong bối cảnh các thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực nhà nước cần ưu tiên và sử dụng hiệu quả cho đầu tư phát triển để phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế. Cần sớm đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi)… nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho dài hạn…
Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau dịch, đón bắt được cơ hội để bứt phá?
Mặc dù tiêu dùng tư nhân có khả năng chậm lại đáng kể trong năm nay do kinh tế giảm tốc, vẫn còn tiềm năng cho hồi phục và nên đặt mục tiêu chú trọng sức mạnh từ nhu cầu của thị trường trong nước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ cần chuẩn bị gói kích thích mới để tái khởi động nền kinh tế, kích thích đầu tư tư nhân, đầu tư nhiều cho ngành có dư địa tăng trưởng, tạo nhiều việc làm...
Bên cạnh đó, tại thời điểm này, cũng cần đánh giá tính hiệu quả, mức độ hấp thụ của các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành trước đó. Chính phủ cũng cần liên tục có cách thức kiểm tra và đánh giá các chương trình giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại; người dân, doanh nghiệp, các đối tượng khó khăn có thực sự tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn tín dụng này hay không…
Đại dịch diễn ra trên toàn cầu cũng đã làm dấy lên những cuộc tranh luận xung quanh việc đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng. Với các cụm sản xuất hiện có, Việt Nam đang ở vào vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội này. Cần có chính sách thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới cũng như các chính sách bổ sung thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển, cải thiện hạ tầng tương ứng để có thể đón bắt làn sóng FDI dẫn đầu bởi công nghệ cao đang trong quá trình định vị lại chuỗi giá trị toàn cầu.